Dinh vua Mèo đã có tiếng nói chung

Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc nghệ thuật khu Nhà Vương ẢNH: XUÂN TÙNG
Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc nghệ thuật khu Nhà Vương ẢNH: XUÂN TÙNG
TP - Sau nhiều tháng bàn thảo và tranh cãi, UBND huyện Đồng Văn và đại diện con cháu họ Vương ra được Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

CHIA TIỀN VÉ

Ngày 19/2, UBND huyện Đồng Văn ban hành Quyết định kèm Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (gọi tắt là di tích Nhà Vương). Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, huyện cũng trao Quy chế này cho đại diện nhà họ Vương. Quy chế có hiệu lực từ ngày ký.

Quy chế nêu rõ mọi hoạt động quản lý, khai thác, phát huy giá trị của di tích Nhà Vương phải tuân thủ các quy định pháp luật về Di sản văn hóa, các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và UBND tỉnh Hà Giang; tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với di tích nhà Vương của con cháu họ Vương. Tháng 5/2019, con cháu họ Vương được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với dinh thự họ Vương. Diện tích được cấp là 4876,6 m2, mục đích sử dụng là đất di tích lịch sử văn hóa.

Một trong những nội dung được quan tâm và tranh luận suốt thời gian qua là phân chia nguồn thu từ vé tham quan. Dù chủ sở hữu là cá nhân dòng họ nhưng di tích này được đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước, vì vậy lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Giang cho rằng quy chế quản lý, đặc biệt là thu và sử dụng nguồn thu phí tham quan di tích phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa con cháu nhà họ Vương và cơ quan quản lý nhà nước, đúng quy định của pháp luật.

Nguồn thu phí tham quan được nộp ngân sách nhà nước theo quy định là 60%. Giá vé tham quan di tích hiện là 20 ngàn đồng/vé. Số còn lại được phân bổ như sau: 20% số này thuộc 16 chủ sở hữu dòng họ Vương, thực hiện chi trả cho các chủ sở hữu hai lần/năm, vào trước 15/1 và trước 15/7 hằng năm. Số tiền còn lại được sử dụng để chi trả nội dung phục vụ hoạt động thu phí, duy tu, sửa chữa thường xuyên khu di tích.

BẢO VỆ DI TÍCH

Tháng 6 năm ngoái, ông Vương Duy Bảo cháu vua Mèo Vương Chí Thành nêu tình trạng di tích xuống cấp sau lần cuối cùng được trùng tu vào 2007. Chính vì thế, Quy chế cũng quy định rõ phạm vi quản lý, khai thác, bảo vệ và bảo tồn thuộc di tích nhà họ Vương bao gồm khu vực khoanh vùng bảo vệ I, bảo vệ II được xác lập từ năm 1993 khi công nhận di tích. Các hộ sinh sống trong khu khoanh vùng II có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định pháp luật khác.

Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhà Vương phải đảm bảo các yếu tố gốc cấu thành di tích. Khi thực hiện trùng tu, sửa chữa lớn phải lập dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo đúng trình tự quy định. Việc duy tu, sửa chữa nhỏ không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích trước khi thực hiện BQL phải báo cáo, xin ý kiến và được sự đồng ý bằng văn bản của UBND huyện Đồng Văn và các cơ quan liên quan.

Quy chế cũng xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND huyện Đồng Văn. UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước với di tích Nhà Vương theo quy định, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của BQL di tích, danh thắng của huyện, ký kết hợp đồng lao động và giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân sự của Tổ quản lý di tích Nhà Vương sau khi thống nhất đại diện chủ sở hữu Nhà Vương.

Chủ sở hữu di tích Khu nhà Vương - gồm 16 người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất-phải thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tuyên truyền giáo dục cho các thành viên trong dòng họ hiểu biết và thực hiện tốt các quy định trong việc quản lý bảo vệ di tích. Con cháu nhà họ Vương cần tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống nhằm phát huy giá trị của di tích theo quy định của pháp luật.

TẠM CHẤP NHẬN

Ông Vương Duy Bảo (một trong 16 người đồng sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) chia sẻ với Tiền Phong rằng dù tiếp nhận Quy chế này, trước mắt chấp nhận nhưng vẫn “cam chịu” ba điểm. Ông nói sẽ chấp hành, tuy nhiên có một số điểm con cháu họ Vương sẽ tiếp tục “đấu tranh” để sửa đổi.

Ông cho rằng tài sản di tích Nhà Vương thuộc sở hữu cá nhân nhưng khi thành lập bộ máy quản lý vẫn có người của huyện. Theo Quy chế, người của gia đình họ Vương chiếm 2/3 trong tổ quản lý, số vị trí việc làm còn lại do huyện Đồng Văn bố trí. Ông Bảo cũng chưa hoàn toàn vừa lòng về số tiền được phân chia từ bán vé, bởi ông lí luận đã chấp nhận quy định về phí và lệ phí với nhà nước, sau đó vẫn phải trích nộp vào ngân sách.

Điểm thứ ba ông Bảo và đại diện họ Vương cho rằng vẫn phải đang cam chịu là khu di tích được đưa vào kinh doanh từ 2007-2019 nhưng chưa rõ phần chi tiêu, đóng thuế ra sao. Thậm chí ông còn phàn nàn việc chậm trễ xây dựng Quy chế cũng gây thiệt hại cho gia đình trong suốt gần một năm qua.

MỚI - NÓNG