Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng nay (5/4), Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam và T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn quốc gia với chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam (Hà Nội), kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại trụ sở các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc.

Diễn đàn chính sách đối với TNXP, TNTN

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

05/04/2024 08:15

05/04/2024 09:06

Dự Diễn đàn tại điểm cầu trực tiếp có các đồng chí:

- Đồng chí Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam

- Đồng chí Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

- Đồng chí Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam

- Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

- Đồng chí Nguyễn Tường Lâm - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam

- Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương

- Đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam

05/04/2024 09:09

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Diễn đàn thanh niên là sự kiện được phối hợp tổ chức thường niên, hằng năm giữa Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Diễn đàn thanh niên là dịp để thanh niên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng, đồng thời cũng phản ánh ý kiến, kiến nghị với Đảng, Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn các bạn đoàn viên, thanh niên, các cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình và của xã hội.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 3

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Dương Triều


Tiếp nối thành công của Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên 2022 có chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên” và Diễn đàn Thanh niên 2023 chủ đề “Chính sách về việc làm cho thanh niên”. Diễn đàn Thanh niên năm nay 2024 được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Cựu TNXP Việt Nam phối hợp tổ chức lựa chọn chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”.

Ông Hạ nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử, tuổi trẻ Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, là lực lượng xã hội quan trọng, có nhiều cống hiến to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, với sự ra đời của Ðoàn Thanh niên Cộng sản Ðông Dương (nay là Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) do Ðảng, Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ truyền thống ngàn đời của dân tộc cùng toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, Thanh niên Việt Nam với tinh thần nhiệt tình cách mạng, hăng hái, tiên phong, ham học hỏi, có óc sáng tạo được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên tập hợp, đoàn kết đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, gian khổ, ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học - công nghệ góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Ông Hạ cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên, tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.

“Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện chính sách còn nhiều bất cập và hạn chế: việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Thanh niên 2020 còn chậm; chính sách thu hút, huy động thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy tinh thần xung kích, cống hiến vì cộng đồng, xã hội chưa được quan tâm đúng mức; quản lý nhà nước về thanh niên vẫn còn nhiều bất cập...”, ông Hạ nói.

Từ những vấn đề phát sinh và nhu cầu thực tiễn, nhằm sớm đưa Luật Thanh niên 2020, đặc biệt là những cơ chế, chính sách phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội vào cuộc sống. Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam đã thống nhất chọn chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện” cho Diễn đàn thanh niên 2024.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Diễn đàn được tổ chức với mục đích góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; nhận diện rõ hơn các bất cập của chính sách cũng như trong việc thực hiện chính sách đối với lực lượng này. Từ đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quyết định những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp với tình hình mới. “Đây cũng là dịp để chúng ta cổ vũ, ủng hộ tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên bằng việc thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên”, ông Hạ nói.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, các đại biểu sẽ được nghe trình bày các tham luận, xem phóng sự về thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; các đại biểu sẽ thảo luận, đại biểu của thanh niên sẽ đối thoại, chia sẻ với đại diện các bộ ngành, các chuyên gia và các tổ chức có liên quan về các nội dung của Diễn đàn.

Thay mặt Ban tổ chức Diễn đàn, ông Hạ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến vào một số nội dung:

Phân tích, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện thời gian qua; làm rõ những bất cập trong chính sách và đề xuất hướng giải quyết.

Nhận diện rõ thực trạng thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện thời gian qua, trong đó đi sâu phân tích những kết quả đạt được; những tồn tại, bất cập và nguyên nhân.

Đề xuất những kiến nghị, giải pháp đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về nội dung này.

Ông Hạ thông tin thêm, ngay sau Diễn đàn này, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, các câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các Bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

05/04/2024 09:12

05/04/2024 09:27

Ra mắt Hội đồng tư vấn về chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi

Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã ban hành Quyết định số 379 QĐ/TWĐTN-VPUBTN về việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi. Hội đồng tư vấn có chức năng tư vấn giúp Ban Bí thư T.Ư Đoàn những nội dung về chính sách, pháp luật liên quan đến thanh thiếu nhi và tổ chức Đoàn, Hội, Đội.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 7

Anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam tặng hoa chúc mừng Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật về thanh thiếu nhi. Ảnh: Dương Triều

Hội đồng tư vấn gồm 20 thành viên là lãnh đạo Trung ương Đoàn, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên trên 13 lĩnh vực, gồm: Giáo dục và đào tạo; Lao động, việc làm; Khởi nghiệp; Văn hoá, nghệ thuật; Thể dục, thể thao; Y tế, sức khoẻ; An ninh quốc phòng; Tâm lý - xã hội; Kỹ năng sống; Pháp lý; Công nghệ thông tin; Ngoại giao; chính sách Đoàn, Hội, Đội.

Thành viên Hội đồng tư vấn về chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi gồm có:

1. TS. Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn

2. TS. Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn

3. ThS Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn

4. PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

5. TS. Trương Thanh Tùng - Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Trường Đại học Phenikaa

6. TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

7. ThS. Hồ Xuân Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH ABACA Việt Nam

8. PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu - Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội

9. ThS Hoàng Sơn Công - Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ

10. Nhạc sĩ An Hiếu - Phó trưởng khoa quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội

11. PGS.TS Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

12. GS. Trần Xuân Bách - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Phó trưởng bộ môn Kinh tế Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội

13. Đại úy Lê Xuân Nam - Cán bộ phòng 3, Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Bộ Công an

14. PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

15. TS. Đào Lê Hòa An - Founder và CEO Hướng nghiệp Jobway

16. ThS Trần Thị Ngọc Nữ - Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, Ủy viên BCH T.Ư Hội LHPN Việt Nam, Chi hội Trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp T.Ư

17. ThS Lê Anh Tiến - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam

18. ThS Lưu Đức Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu - Tổng Công ty Mạng lưới Viettel

19. Đại sứ Bùi Thế Giang - Nguyên Phó trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc

20. TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, T.Ư Đoàn

05/04/2024 10:09

Nhiều chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện

Tại Diễn đàn, anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Hà Nội gửi tới hai câu hỏi:

Câu hỏi 1: Thanh niên tham gia Chiến dịch tình nguyện hằng năm được hưởng những chính sách nào của nhà nước? các thủ tục mà tổ chức Đoàn cần làm như thế nào để đảm bảo cho thanh niên tình nguyện được hưởng các chính sách trên? Kinh phí thực hiện chính sách đối với thanh niên tình nguyện từ đâu? Cấp nào hướng dẫn việc thực hiện này?

Câu hỏi 2: Theo khoản 1, điều 10, Nghị định số 17/2021/NĐ-CP ngày 09/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách đối với thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án được chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện cấp Giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện theo thẩm quyền, được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với việc làm theo quy định của pháp luật.

“Trên thực tế hiện nay, các địa phương còn chưa hiểu rõ và không biết mẫu Giấy chứng nhận do cấp nào, cơ quan nào hướng dẫn. Vậy đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn và giải thích rõ việc này? Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, trao đổi thông tin về chế độ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với việc làm đối với thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án”, ông Tiến nêu.

Trả lời câu hỏi, bà Lương Thị Hải Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, thực hiện các điều 22 và 23 Luật Thanh niên, năm 2021, Chính phủ đã ban hành nghị số 17, định quy định chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 8

Bà Lương Thị Hải Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Dương Triều

Theo bà Hải Anh, đối với thanh niên tình nguyện, có hình thức tham gia các chương trình dự án, đề án do cấp có thẩm quyền ban hành. Trước đó, chúng ta đã có hai dự án 600 phó chủ tịch xã và 500 trí thức trẻ. Hai dự án đã kết thúc năm 2020. Theo đó, thanh niên tham gia đều được hưởng các chính sách, như được ký hợp đồng, đào tạo bồi dưỡng, được hưởng các chế độ chính sách khác…

Về chính sách thanh niên tình nguyện, sau khi kết thúc thì được cấp giấy chứng nhận. Đây chính là cơ sở để thực hiện chính sách tiếp theo, ví dụ như tuyển dụng công chức, viên chức, bầu cán bộ các cấp xã, huyện.

Đại diện Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, Nghị định 17 quy định, khi tham gia các hoạt động tình nguyện vì lợi ích cộng đồng đều được bồi dưỡng đào tạo về kỹ năng khi tham gia các hoạt động tình nguyện, được trang bị thiết bị bảo hộ cần thiết, được đóng BHYT (nếu chưa có).

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 9

Tại diễn đàn, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị, ngay khi phát động xây dựng kế hoạch phải đẩy mạnh việc triển khai tuyên truyền các chính sách đối với thanh niên, khi tham gia các bạn được gì cũng như trách nhiệm của thanh niên khi tham gia các hoạt động vì cộng đồng, xã hội.

Trả lời về chính sách đào tạo việc làm, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho biết, thông tư số 43 năm 2016 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề quy định, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện được hỗ trợ đào tạo nghề, chủ yếu là hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 10

Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Dương Triều

Kinh phí cho đối tượng dưới 3 tháng là được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị 12 tháng lương cơ sở; mức hỗ trợ được 2 – 6 triệu đồng mỗi tháng tùy theo cơ sở đào tạo. Thông tư cũng quy định hỗ trợ tiền ăn 30 nghìn đồng/ngày học, tiền đi lại 200 nghìn đồng cả khóa học, với nơi đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 300 nghìn.

“Đối với trình độ trung cấp, cao đẳng cũng quy định cụ thể tùy theo nhóm đối tượng. Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với học sinh sinh viên, tùy nhóm đối tượng”, ông Khánh thông tin.

05/04/2024 10:26

Clip: Hoàng Mạnh Thắng

05/04/2024 10:38

Thanh niên xung phong được cộng 2.5 điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức

Tại chương trình, chị Lê Thị Nguyệt - cán bộ Ban Tổ chức Kiểm tra Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đặt câu hỏi: “Theo quy định đối với đội viên TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì được ưu tiên khi tham gia tuyển công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức, viên chức. Vậy tôi mong muốn được biết, hiện có hướng dẫn cụ thể nào để các ngành, các cấp thực hiện việc tuyển dụng ưu tiên này?”

Trả lời vấn đề trên, bà Lương Thị Hải Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, Nhà nước có 2 Luật liên quan đến cán bộ công chức đó là Luật cán bộ công chức và Luật viên chức, trong đó có quy định về việc tuyển dụng đối với đối tượng này. Chính phủ cũng đã ban hành 2 Nghị định 138 về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và Nghị định 115 liên quan tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 11

Ảnh: Dương Triều


Theo Nghị định 138, một trong những đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng đó là TNXP hoàn thành nhiệm vụ từ 20 tháng trở lên sẽ được cộng điểm ưu tiên. Cụ thể, TNXP sẽ được cộng 2.5 điểm ở vòng 2 khi tham gia tuyển dụng thành công chức. Tương tự đối với Nghị định 115 cũng quy định, TNXP tham gia thi tuyển viên chức cũng được cộng 2.5 điểm khi vào vòng 2.

Ngoài ra, hằng năm, các cơ quan có thẩm quyển sẽ ban hành kế hoạch và thông tin rộng rãi về việc thi tuyển công chức, viên chức để các ứng viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực, phù hợp với vị trí việc làm tham gia thi tuyển.

05/04/2024 10:41

Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức thanh niên xung phong

Anh Lê Minh Khoa - Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TPHCM băn khoăn: “Hiện tại, các đơn vị TNXP đều được giao chỉ tiêu biên chế, được cấp ngân sách như đơn vị sự nghiệp công lập nhưng vẫn chưa được xác định rõ là đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, rất khó khăn cho các đơn vị TNXP triển khai các nhiệm vụ về công tác tổ chức bộ máy và chế độ chính sách. Kính đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu để có quy định cụ thể về mô hình tổ chức TNXP nhằm đảm bảo chính sách của Nhà nước được thực hiện kịp thời và đồng bộ đối với TNXP hiện nay?”

Trả lời vấn đề này, bà Lương Thị Hải Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, theo Quy định 19, Nghị định 12, tổ chức TNXP được tổ chức dưới các hình thức như Tổng đội thanh niên xung phong và Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội. Hiện nay, cả nước có 33 đơn vị TNXP. Trong đó, có Ban Chỉ lực lượng TNXP Trung ương (trực thuộc Trung ương Đoàn); 7 đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An; 7 đơn vị trực thuộc Ban Chỉ huy Lực lượng TNXP TP HCM và nhiều đơn vị khác trực thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hầu hết các đơn vị được thành lập trước Nghị định 12, sau đó chỉ có 3 đơn vị mới được thành lập.

Liên quan đến việc xác định đơn vị TNXP là đơn vị sự nghiệp công lập, chúng ta phải căn cứu vào quy định, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập là gì. Đơn vị TNXP theo quy định của Luật Thanh niên có chức năng, nhiệm vụ chưa phải của đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công. Ngoài ra, theo Điều 3 Nghị định 12, TNXP tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm giáo dục rèn luyện, việc làm của thanh niên. Đây là một nhiệm vụ đặc thù khác biệt, thực hiện các nhiệm vụ khó đột xuất ở vùng xa, vùng sâu.

Do đó, Bộ Nội vụ đã và đang phối hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn để đánh giá các mô hình TNXP và kiến nghị đề xuất tới các cấp có thẩm quyền đưa ra hình thức cho phù hợp, phát huy tốt nhất vai trò của thanh niên, tổ chức TNXP trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

05/04/2024 10:53

Anh Nguyễn Đình Thắng - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Lực lượng TNXP Nghệ An nêu ra một số vấn đề mà thanh niên xung phong tỉnh quan tâm

Tại điểm cầu trực tiếp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, anh Nguyễn Đình Thắng - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Lực lượng TNXP Nghệ An nêu ra một số vấn đề mà thanh niên xung phong tỉnh quan tâm.

Anh Thắng đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ như hiện nay, Trung ương Đoàn, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam có giải pháp như thế nào để hoàn thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục chứng minh, tăng cường công tác tuyên truyền, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết hồ sơ cho TNXP? “Mong các tổ chức, đơn vị ban hành các quy định về mẫu Giấy chứng nhận, hướng dẫn cụ thể về hình thức khen thưởng đối với người tham gia tổ chức thanh niên xung phong hiện nay”, anh Thắng bày tỏ nguyện vọng.

Chủ trì Diễn đàn tiếp tục mời các bạn đoàn viên thanh niên đặt câu hỏi.

Bạn Tống Đình Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trái tim Nhật Thiện, tỉnh Thái Nguyên, Phó Ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Bắc Mạng lưới tình nguyện quốc gia cho rằng, thời gian qua, Trung ương Đoàn thông qua Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam đã thành lập và duy trì rất tốt Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia ở các khu vực, thường xuyên định hướng, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho các thành viên Mạng lưới. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện vì cộng đồng ở các tỉnh, thành phố chưa biết đến Mạng lưới hoặc chưa tham gia vào hoạt động tình nguyện của tổ chức Đoàn, Hội. “Vậy trong thời gian tới, Trung ương Đoàn có định hướng, giải pháp nào để tăng cường kết nối, tập hợp và phát huy hiệu quả hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm, nhất là tập hợp thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện trên mạng mạng xã hội và trong các cộng đồng trực tuyến? Trung ương Đoàn có thể chia sẻ, giới thiệu một số mô hình cụ thể để các cấp bộ Đoàn học tập, nhân rộng?”, bạn Tống Đình Sơn đặt câu hỏi.

Đại diện Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Trung tâm tình nguyện Quốc gia trao đổi, trả lời các câu hỏi trên.

Anh Lê Thanh Tú - Trưởng Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn trao đổi về giải pháp để hoàn thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục chứng minh, tăng cường công tác tuyên truyền, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết hồ sơ cho TNXP; việc ban hành các quy định về mẫu Giấy chứng nhận, hướng dẫn cụ thể về hình thức khen thưởng đối với người tham gia tổ chức thanh niên xung phong. Theo anh Tú, thời gian qua Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn phối hợp chặt chẽ Trung ương Hội TNXP và các bộ, ngành xử lý các chính sách đối với thanh niên xung phong. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống theo dõi các thông tin thanh niên xung phong liên quan đến khen thưởng, cấp giấy chứng nhận, kỷ niệm chương với thanh niên xung phong.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 12

Anh Lê Thanh Tú - Trưởng ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn.
Ảnh: Dương Triều


Anh Tú cho biết, hiện Trung ương Đoàn đã hoàn thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ của thanh niên xung phong đã được Trung ương Đoàn hoàn thiện. Những hồ sơ từ năm 1999 trở lại đây đã được cập nhật lưu trữ đầy đủ; còn giai đoạn từ năm 1998 trở về trước còn gặp những khó khăn nhất định. Hiện Trung ương Đoàn đang phối hợp chặt chẽ với Hội cựu thanh niên xung phong tiếp tục xử lý vấn đề này.

Anh Tú cho biết thêm, thời gian qua, Trung ương Đoàn tích cực phối hợp với các đơn vị xây dựng Nghị định, chính sách cho thanh niên xung phong, trong đó có Nghị định 28.

Trao đổi thêm về nội dung này, ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch T.Ư Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, dữ liệu hồ sơ rất cần thiết nhưng cần thiết nhất hiện nay là Trung ương Đoàn cần có mối liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để thông tin các chương trình dự án từ cấp xã, huyện, tỉnh, quốc gia. Chương trình dự án gồm chương trình, trung hạn (5 năm) và dài hạn. Ông Kim đề nghị, Trung ương Đoàn cần có sự liên kết, kết nối để sớm công khai các loại công trình, dự án để lực lượng Thanh niên xung phong tham gia thực hiện.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 13

Ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch T.Ư Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Dương Triều

Ông Kim cho rằng, tất cả những văn bản hiện này chúng ta đang thiếu nơi đến. Đọc câu thơ: “Đi đi dự án chờ anh đó/Tổ quốc cần đâu gọi thanh niên xong phong”, ông Kim nhấn mạnh, cần có nơi đến cụ thể, nơi Tổ quốc cần để thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện lên đường.

Theo ông Kim, các dự án, công trình phải cấp xã đến trung ương phải được công khai cụ thể, rõ ràng để những nơi thực sự khó khăn, đặc thù cần sức vóc thanh niên xung phong cống hiến.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 14

Ảnh: Dương Triều

“Chính sách phải đúng, trúng mới quan trọng chứ không phải là chính sách nhiều hay ít. Chính sách về động lực là một phần nhưng chính sách về vật chất, tiền lương, tiền thưởng của người lao động bây giờ rất quan trọng, chứ không chỉ mỗi xung kích và xung phong”, ông Kim nhấn mạnh. Ông Kim đề nghị, với những địa bàn khó khăn, gian khổ mà thanh niên xung phong tham gia cần có chính sách tiền lương, thưởng tăng lên từ 30 -50%.

Chị Đỗ Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia trao đổi về định hướng, giải pháp để tăng cường kết nối, tập hợp và phát huy hiệu quả hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm; tổng hợp các mô hình.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 15

Chị Đỗ Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia

Chị Hoa cho biết, hiện Trung tâm Tình nguyện Quốc gia mở rộng mạng lưới ra 4 khu vực: Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Tại đây, đều có các Ban thường trực có 10-15 trưởng đội, nhóm tình nguyện nhằm điều hành, trở thành cánh tay nối dài của trung tâm để kết nối với các lực lượng tình nguyện, đội, nhóm, Câu lạc bộ nhằm triển khai các hoạt động tình nguyện.

Hiện nay, mạng lưới đã phát triển hàng ngàn câu lạc bộ, đội, nhóm. Riêng năm 2023 mạng lưới đã phát huy hơn 4900 hoạt động, làm lợi hơn 220 tỷ đồng.

Chị Hoa cho biết, khi tập hợp các Câu lạc bộ, đội, nhóm, Trung tâm luôn xác định tạo điều kiện tốt nhất cho các đội nhóm, thông qua việc: đảm bảo tư cách pháp nhân; có công văn của Trung tâm gửi về địa phương, tỉnh thành Đoàn; tổ chức các hoạt động tôn vinh khen thưởng kịp thời. Thực tế, nhiều thủ lĩnh đội nhóm, câu lạc bộ tình nguyện sau khi tham gia vào mạng lưới Trung tâm tình nguyện quốc gia đã có sự trưởng thành trở thành hạt nhân lan toả phong trào thanh niên tình nguyện, có người đạt giải thưởng Tình nguyện quốc gia; mới đây bạn Lê Văn Phúc, Chủ nhiệm CLB Fly to Sky trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.

Chị Hoa cho biết thêm, 100% các bạn tham gia tình nguyện trong mạng lưới tình nguyện quốc gia đều được cấp giấy chứng nhận tình nguyện của Trung tâm.

Với mục tiêu năm 2030 tổ chức Đoàn, Hội định hướng, hỗ trợ đồng hành phát huy 3000 đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện, Trung ương Đoàn xác định triển khai các nhiệm vụ: tập huấn ban chủ nhiệm; thường xuyên chủ động tìm kiếm đồng hành Câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn; tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành Đoàn với đội nhóm; tuyên dương khen thưởng; xây dựng cổng thông tin kết nối với các Câu lạc bộ, đội, nhóm.

Bên cạnh đó, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác định chủ trương mới - chủ trương “3 liên kết” trong phong trào thanh niên tình nguyện rất quan trọng để mở rộng kết nối các lực lượng tình nguyện.

Trao đổi thêm về những vấn đề này, anh Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng chia sẻ một số kinh nghiệm, chính sách đối với thanh niên xung phong trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Anh Bính cho biết, đối với lực lượng thanh niên xung phong tại huyện đào Bạch Long Vĩ, là huyện đảo đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, có vị trí biệt lập, cách đất liền khoảng 110 km; đây cũng là 1 trong sổ ít các đảo được Trung ương Đoàn lựa chọn là “Đào thanh niên”, do vậy thành phố cũng có các chế độ, chính sách riêng.

Theo đó, các chức danh lãnh đạo Liên đội thanh niên xung phong đang công tác tại huyện Bạch Long Vĩ (Liên đội trưởng, liên đội phó) được hưởng chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách tương tự như cán bộ, công chức, viên chức công tác tại huyện đảo. Thành phố có chính sách bố trí, sử dụng lực lượng thanh niên sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 16

Anh Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng chia sẻ một số kinh nghiệm, chính sách đối với thanh niên xung phong trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ảnh: Dương Triều

Anh Bính cho biết, từ khi thành lập đến nay, thanh niên xung phong Bạch Long Vĩ đã bổ sung lực lượng dân cư trẻ cho huyện đảo trên 250 người, có 58 đồng chí được tuyển dụng vào các phòng, ban, ngành của huyện, trong đó có: 1 đồng chí đảm nhiệm chức vụ là Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; 2 đồng chí là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; 1 đồng chí là Chủ tịch ủy ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam huyện; 25 đồng chí là trưởng, phó và 26 cán bộ thuộc các phòng, ban chuyên môn của huyện và các đơn vị trên đào; 4 đồng chí là đội viên thanh niên xung phong đã trưởng thành và giữ chức vụ Liên đội trưởng, Liên đội phó.

05/04/2024 10:57

Đào tạo hơn 700 bác sĩ cho các huyện nghèo

Đại diện cụm Tây Bắc Bộ đặt câu hỏi liên quan đến chính sách cho thanh niên tình nguyện ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện việc này? Quy trình thủ tục gồm những bước nào? Những chính sách thu hút thanh niên tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hiện nay?

Trả lời câu hỏi, bà Lương Thị Hải Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, khi ở lại định cư, lập nghiệp, người đó sẽ được hưởng các chính sách tại địa phương đó. Ví dụ, hiện có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, những chính sách đó đều hướng tới các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn trên cả nước.

“Khi định cư ở đó, người dân được hưởng chính sách nào thì thanh niên tình nguyện ở lại cũng được hưởng như vậy, ví dụ, được hỗ trợ nhà ở, được vay vốn phát triển kinh tế, lập nghiệp…. Nếu muốn vay vốn, các bạn có thể đến xã, hoặc điểm giao dịch ngân hàng để được hướng dẫn”, bà Hải Anh lý giải.

Đại diện Bộ Nội vụ cũng chia sẻ thêm, đề án 600 phó chủ tịch xã đã hoàn thành, được đánh giá cao, nhiều người đã được bầu để giữ các chức vụ lãnh đạo ở xã, trưởng thành lên cấp huyện, cấp tỉnh.

Còn đề án 500 trí thức trẻ, ban đầu có khó khăn, sau đó Chính phủ đã đề ra giải pháp, hiện đã có 300 người được bổ nhiệm công chức, số còn lại đang ký hợp đồng…

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 17

Cũng theo bà Hải Anh, hiện đang còn một số đề án nổi bật khác, như đề án tuyển chọn đưa bác sĩ trẻ về các huyện nghèo công tác, đang được đánh giá cao. Chia sẻ thêm về đề án này, đại diện Bộ Y tế cho biết, trước khi lập đề án, phải đi khảo sát trực tiếp ở các huyện nghèo nhất trên cả nước. Hiện đã và đang đào tạo được hơn 700 bác sĩ cho các huyện nghèo, khi về công tác, các bác sĩ này giải quyết được nhiều công việc cho bệnh viện ấy.

05/04/2024 11:36

Đề nghị có cơ chế đặc thù cho thanh niên xung phong, thanh niên đã có sáng kiến

Tại diễn đàn, anh Trương Khải Minh - Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bày tỏ vui mừng khi được gặp anh Vũ Trọng Kim - nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nay là Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. “Chúng em rất mong nhận được lời khuyên của anh để thanh niên Việt Nam hoàn thành sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thông qua các hoạt động của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam, thanh niên tình nguyện Việt Nam”, anh Minh bày tỏ.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 18

Anh Trương Khải Minh - Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Ảnh: Dương Triều

Chia sẻ tại diễn đàn, đồng chí Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam nhấn mạnh, sứ mệnh của thanh niên luôn gắn liền với sứ mệnh của các dân tộc. “Dân tộc chúng ta đang hướng tới phía trước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Thanh niên chúng ta điều quan trọng là học, làm và vui chơi giải trí”, ông Kim bày tỏ.

Muốn hoàn thành sứ mệnh ấy, theo ông Kim, điều quan trọng là phải học, và phải đảm bảo có chỗ làm việc thông qua việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Thanh niên xung phong hay thanh niên tình nguyện thì chúng ta cũng đều đóng góp một phần vào việc thực hiện sứ mệnh đó.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 19

Đồng chí Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
Ảnh: Dương Triều

Chủ tịch Hội cựu Thanh niên Xung phong mong muốn các bạn trẻ luôn ý thức để tìm hiểu về các chương trình chương trình dự án quốc gia trong tiến trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Mỗi đoàn viên thanh niên cần hướng vào đó để tìm hiểu, qua đó nhận dự án và được Nhà nước bảo đảm bằng giá trị dự án đó.

Nhân diễn đàn này, ông Kim cũng đề nghị Nhà nước cho cơ chế đặc thù cho thanh niên xung phong, với thanh niên đã có sáng kiến, ví dụ lĩnh vực KHCN, đầu tư có tính chất mạo hiểm thì Nhà nước hỗ trợ cho thanh niên. Qua các chính sách đó, thanh niên sẽ được “làm theo năng lực, hưởng theo thành quả”. Theo ông Kim, nếu được như thế sẽ thúc đẩy động lực cho thanh niên, ngoài mục tiêu cống hiến cho đất nước còn có mục tiêu làm giàu chính đáng của thanh niên.

05/04/2024 11:38

Quy trình thủ tục để đảm bảo được quyền lợi, chính sách cho thanh niên tình nguyện

Chị Phạm Thị Kiều Trang - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang cho biết, Cụm tổng hợp được hơn 60 câu hỏi của thanh niên. Chị Nguyệt nêu một số vấn đề nổi bật và 3 câu hỏi mà thanh niên quan tâm.

Câu hỏi 1: Hiện nay, một số Tổng đội thanh niên xung phong đang làm thủ tục giải thể hoặc có chủ trương giải thể. Vậy Nhà nước có chính sách nào hỗ trợ lực lượng thanh niên xung phong sau khi các Tổng đội giải thể?

Câu hỏi 2: Trong thời gian vừa qua, tổ chức Đoàn ở một số địa phương đã chủ động trong việc cấp Giấy chứng nhận hoặc triển khai các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện. Tuy nhiên, chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong việc chứng nhận cũng như tôn vinh, khen thưởng giữa các địa phương. Vậy, Trung ương Đoàn có định hướng, giải pháp nào để thực hiện đồng bộ, thống nhất việc cấp giấy chứng nhận, công tác thi đua khen thưởng đối với thanh niên tình nguyện?

Câu hỏi 3: Khoản 7, Điều 11, Nghị định 17 quy định: Thanh niên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc và chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tình nguyện bị tai nạn thì được cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hoạt động tình nguyện bảo đảm các chính sách riêng.

Vậy đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết quy trình thủ tục để đảm bảo được quyền lợi, chính sách cho thanh niên tình nguyện.

Đại diện các ban, đơn vị Trung ương Đoàn và Bộ Nội vụ trả lời các câu hỏi của chị Phạm Thị Kiều Trang.

Anh Lê Thanh Tú - Trưởng Ban Thanh niên Xung phong Trung ương Đoàn cho biết, từ 2010 đến nay có 11 Tổng đội Thanh niên xung phong giải thể. Giai đoạn tới đây có 6 đơn vị TNXP dự kiến sẽ giải thể, trong đó, Hà Tĩnh: 3; Kon Tum: 1; Tuyên Quang: 1; Bắc Kạn: 1.

Trao đổi về các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện, anh Nguyễn Quốc Huy – Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn cho biết, các hình thức khen thưởng tình nguyện đã được đưa vào các quyết định, quy định cụ thể. Các cơ quan tổ chức hoạt định tình nguyện có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tình nguyện cho cá nhân, tổ chức tham gia theo mẫu quy định.

Về công tác khen thưởng đối với thanh niên tình nguyện, Quy chế của Trung ương Đoàn có quy định trao tặng “Huy hiệu thanh niên tình nguyện”. Anh Huy cho biết, từ năm 2010 đến nay Trung ương Đoàn tiến hành trao tặng gần 200 Huy hiệu Thanh niên tình nguyện. Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn, các tổ chức Đoàn cũng triển khai tặng Bằng khen, Giấy khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của chị Dương Minh Nguyệt, bà Lương Thị Hải Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) trao đổi về chính sách hỗ trợ lực lượng thanh niên xung phong sau khi các Tổng đội giải thể; chế độ chính sách đối với thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc và chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện bị tai nạn khi tham gia hoạt động tình nguyện.

Bà Hải Anh cho biết, các Tổng đội TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì giải thể, ai thành lập người đó có trách nhiệm giải thể. Để giải thể Tổng đội TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ cần phải có kế hoạch, bắt buộc có đề án cụ thể, trong đó có quy định bộ máy, con người, chế độ chính sách cụ thể. Các thanh niên xung phong tham gia Tổng đội TNXP được hưởng chế độ chính sách cụ thể theo quy định, giải quyết việc làm. Với những người khi chưa có việc làm thì được hưởng trợ cấp thất nghệp theo quy định. Theo bà Hải Anh, điều quan trọng chúng ta cần thông tin tuyên truyền kịp thời để TNXP tiếp cận, thụ hưởng những chính sách đó.

Bà Hải Anh cho biết, Nghị định 17 quy định rất rõ các chính sách trước, trong và sau khi tổ chức hoạt động tình nguyện. Theo bà Hải Anh, hiện nay, các hoạt động tình nguyện đều xuất phát từ học sinh, sinh viên, người lao động, hầu hết đều đã có bảo hiểm y tế và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế nếu không may xảy tai nạn trong quá trình tham gia lao động.

Bà Hải Anh cho biết, nếu thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động tình nguyện không may gặp tai nạn tử vong thì phải có sự tham gia của ngành Lao động - Thương binh - Xã hội để tiến hành các thủ tục chặt chẽ để giải quyết chính sách. Nếu trường hợp, thanh niên tình nguyện không có bảo hiểm y tế thì ngành Y tế sẽ thực hiện chính sách theo đúng Nghị định 17 và cơ quan tổ chức tình nguyện có trách nhiệm đứng ra làm đầu mối về việc này.

05/04/2024 11:51

Phát biểu của đồng chí Vũ Trọng Kim - Chủ tịch T.Ư Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
Clip: Hoàng Mạnh Thắng

05/04/2024 11:53

Chính sách hỗ trợ với TNXP làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

Anh Hà Ngọc Huy - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Cao Bằng gửi tới diễn đàn 2 câu hỏi:

Câu 1: Hiện nay, thanh niên xung phong (TNXP) sau khi hoàn thành nhiệm vụ, mong muốn làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ sử dụng lao động đến một độ tuổi nhất định. Vậy, xin hỏi các ngành có các chính sách hỗ trợ như thế nào đối với thanh niên xung phong được làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất?

Câu 2: Luật Thanh niên năm 2020 và Nghị định số 17 của Chính phủ quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, đến nay đã có hiệu lực được 3 năm. Để có thể hiểu hơn về việc triển khai thực hiện chính sách đối với TNXP, thanh niên tình nguyện, xin Bộ Nội vụ cho biết kết quả tổng thể đối với việc thực hiện chính sách cho 2 đối tượng thanh niên này?

Trả lời câu hỏi đầu tiên liên quan đến chính sách hỗ trợ với TNXP làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Đỗ Năng Khánh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp đều có quy định riêng và cụ thể với từng nhóm đối tượng lao động. Bản thân mỗi thanh niên nói chung và TNXP nói riêng cần đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm của mỗi doanh nghiệp bằng sự nỗ lực, cố gắng nâng cao tay nghề, năng lực để thực hiện tốt vị trí công việc của mình.

Trả lời câu hỏi thứ hai của đại diện Tỉnh Đoàn Cao Bằng, bà Lương Thị Hải Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, khi Nghị định số 17 của Chính phủ ra đời, không chỉ Bộ Nội vụ, vấn đề thanh niên nằm ở chức năng, nhiệm vụ của tất cả các bộ, ngành. Chính sách đối với thanh niên trước trong và sau tình nguyện đã được quy định rõ trong Nghị định này.

Về chính sách đối với TNXP trong Nghị định 17 đã hoàn thiện hơn, tạo điều kiện cho các tổ chức TNXP hoạt động ví dụ như về kinh phí hoạt động. Hiện nay, chúng tôi cũng phối hợp với T.Ư Đoàn tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá, báo cáo các mô hình TNXP và có đề xuất các mô hình sao cho hiệu quả.

Tiếp lời ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) ở câu hỏi về chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên xung phong tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đại diện Bộ Nội vụ chia sẻ thêm: “Khi xây dựng kế hoạch, tuyển chọn TNXP cần tính đến chi phí trong và sau làm nhiệm vụ, có căn cứ đề nghị ngành tài chính cấp kinh phí triển khai thực hiện. Đặc biệt, phải tính đến những chế độ các bạn sẽ được sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ, chúng ta cần lấy nhu cầu nguyện vọng về nghề nghiệp để sắp xếp mô hình đào tào nghề, học ngoài giờ, để họ sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ đáp ứng linh động được yêu cầu việc làm hơn”.

Ngoài ra, theo bà Lương Thị Hải Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), những kết quả, quá trình thực hiện chính sách đối với TNXP, thanh niên tình nguyện đều đã được công khai trên cổng thông tin, các phương tiện truyền thông đại chúng. Do đó, các Tỉnh, Thành Đoàn cần tiếp tục có trách nhiệm cao trong việc cung cấp thông tin để nhóm đối tượng này tiếp cận kịp thời và chủ động hơn.

05/04/2024 11:55

Phát biểu của anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam.
Clip: Hoàng Mạnh Thắng

05/04/2024 12:01

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 20

Anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn phát biểu bế mạc Diễn đàn quốc gia "Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện. Ảnh: Dương Triều


Phát biểu bế mạc Diễn đàn quốc gia "Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhận định, những trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin và đề xuất, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện là nội dung quan trọng, có tính nhân văn và giá trị cộng đồng sâu sắc. Đây còn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quan tâm, chăm lo, phát huy lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong tình hình mới.

“Lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện luôn luôn giữ vị trí quan trọng tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ, tham gia bảo vệ tổ quốc, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng trong xây dựng đất nước”, anh Huy nói.

Theo anh Huy, Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách về thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện. Tại diễn đàn này, BTC ghi nhận các ý kiến, câu hỏi của thanh niên và trao đổi, thông tin của các Bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội cũng như các chuyên gia, các tổ chức, đơn vị về 3 nhóm vấn đề:

· Cung cấp các chính sách và thực trạng trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp với tình hình mới;

· Phổ biến, tuyên truyền các chính sách và điển hình trong thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện;

· Tìm hiểu, phân tích, làm rõ các quy định của pháp luật về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện;

Ngay sau Diễn đàn hôm nay, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, các câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các Bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật

Tham dự Diễn đàn tại điểm cầu trực tiếp ở Hà Nội có các đại biểu, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư; các đồng chí là thành viên UBQG về Thanh niên Việt Nam, Ban Thư ký UBQG về Thanh niên Việt Nam; thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi; lãnh đạo các ban, đơn vị T.Ư Đoàn; đại diện một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, lãnh đạo các tỉnh, thành Đoàn, các nhà khoa học, các chuyên gia, các bạn đoàn viên, thanh niên.

 Diễn đàn quốc gia Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện ảnh 21

Diễn đàn quốc gia với chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện” kết nối trực tuyến 63 điểm cầu tại trụ sở tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc.
Ảnh: Dương Triều

Tại điểm cầu trực tuyến ở 63 tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, có đại diện UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn; các đơn vị thanh niên xung phong; đại diện mạng lưới tình nguyện quốc gia; các bạn đoàn viên, thanh niên.

Diễn đàn tập trung trao đổi 3 nhóm nội dung: các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; việc triển khai thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; những vấn đề đặt ra và đề xuất, kiến nghị về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện cùng các vấn đề khác có liên quan đến chủ đề Diễn đàn.

Theo Ban tổ chức, hiện Diễn đàn đã nhận được 26 tham luận của các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành, các tỉnh, thành Đoàn cùng gần 500 câu hỏi của các đoàn viên thanh niên cả nước qua hộp thư điện tử: diendanchinhsachquocgia2024@gmail.com.

Diễn đàn quốc gia năm 2024 sẽ góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong thực tiễn.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.