Địa phương quyết định mức tiền hỗ trợ lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính quyền địa phương sẽ quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chiều 28/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (TGBVANTT) ở cơ sở. Với 5 chương, 33 điều, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội thông qua dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ độc lập cho lực lượng này và nhiệm vụ hỗ trợ Công an cấp xã, cơ quan Công an cấp trên bảo vệ hiện trường khi vụ án hình sự xảy ra tại cơ sở; bổ sung quy định trách nhiệm liên đới của Công an cấp xã khi lực lượng này thực hiện nhiệm vụ mà vi phạm pháp luật.

Địa phương quyết định mức tiền hỗ trợ lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 1

Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật chiều 28/11. Ảnh Như Ý

Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, bổ sung, chỉnh lý đối với các nội dung quy định về nhiệm vụ của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ chung của Công an cấp xã, thống nhất với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật;

Đồng thời xác định rõ trách nhiệm liên đới của Công an cấp xã là: “Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở theo quy định của pháp luật”.

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung nhiệm vụ tham gia tố tụng với tư cách người chứng kiến khi có yêu cầu. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định 1 điều chung về nhiệm vụ tham gia hỗ trợ bảo vệ ANTT ở cơ sở, không nên quy định quá nhiều nhiệm vụ cụ thể.

UBTVQH lý giải, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy định cụ thể và đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng (trong đó có người làm chứng và người chứng kiến).

“Việc dự thảo Luật quy định đầy đủ, cụ thể các nhiệm vụ trong dự thảo Luật thành các điều riêng là cần thiết để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua”, ông Lê Tấn Tới nêu.

Về tiêu chuẩn, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa để bảo đảm điều kiện sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; đề nghị cân nhắc quy định về tiêu chuẩn văn hóa để bảo đảm tính khả thi.

Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi, trường hợp trên 70 lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.

Đồng thời chỉnh lý quy định trình độ văn hoá là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.

Không quy định về tiền án, tiền sự

Có ý kiến đề nghị quy định tiêu chuẩn là “không có tiền án, tiền sự”. Về việc này, UBTVQH thấy rằng, nếu quy định tiêu chuẩn “không có tiền án, tiền sự” sẽ không đúng với quy định của pháp luật hình sự về trường hợp đã được xóa án tích và pháp luật xử lý vi phạm hành chính về trường hợp hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính; đồng thời chưa phù hợp với thực tế.

“Dự thảo Luật quy định các trường hợp nêu trên vẫn được tham gia lực lượng TGBVANTT ở cơ sở là hợp lý. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua”, ông Tới nêu.

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị quy định khung mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, mức bồi dưỡng cho lực lượng này hoặc quy định khung theo vùng, miền. Có ý kiến cho rằng, đây là lực lượng tự nguyện, tự quản do cộng đồng thành lập nên do cộng đồng đóng góp để chi trả, không được sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo UBTVQH, nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng hoặc quy định khung mức tối thiểu chi hỗ trợ đối với lực lượng này sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.

Do đó, UBTVQH đề nghị kế thừa pháp luật hiện hành, quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng TGBVANTT ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...