'Địa ngục chim trời' lớn nhất miền Tây trước khi thành trạm dừng chân

0:00 / 0:00
0:00
Từng được xem là "địa ngục chim trời", điểm nóng mua bán động vật hoang dã, chợ chim Thạnh Hóa (tỉnh Long An) trong tương lai được quy hoạch thành khu thương mại.

Trước đây, khi đến chợ nông sản (còn gọi chợ chim trời) tại huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An), người dân tận mắt chứng kiến nhiều loại động vật hoang dã, chim trời,... được bày bán công khai, không khí sôi nổi.

Tuy nhiên, hiện nay khu chợ được mệnh danh "địa ngục chim trời" trở nên thưa thớt khi số lượng chim giảm, khách cũng vắng.

'Địa ngục chim trời' lớn nhất miền Tây trước khi thành trạm dừng chân ảnh 1

Chợ nông sản Thạnh Hóa hay còn gọi là "địa ngục chim trời" (Ảnh: Bảo Trân).

"Địa ngục chim trời" vẫn nhạy cảm!

Chợ chim trời ở Long An nằm dọc quốc lộ 62, đoạn qua địa bàn huyện Thạnh Hóa tiếp giáp khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Chim được bày bán tại chợ có 2 loại chim kiểng và chim thịt, các loài có số lượng lớn như cò, le le, cu đất, trích cồ, vịt trời, đại bàng,...; nhiều loài bò sát như các loại rắn.

Bà H. (một tiểu thương tại chợ) cho biết, khu chợ chim không còn náo nhiệt như thời điểm trước dịch Covid-19. Hiện tại một số sạp hàng đã đóng cửa, một số khác là hộ kinh doanh mới.

"Bây giờ chỉ có cuối tuần là nhiều người mua, khách đa số từ TPHCM đi về miền Tây ghé lại. Ai muốn mua con gì cứ gợi ý, chủ sạp sẽ chào hàng chứ không trưng ra đâu", bà H. nói.

'Địa ngục chim trời' lớn nhất miền Tây trước khi thành trạm dừng chân ảnh 2

Cảnh đìu hiu tại chợ chim trời lớn nhất miền Tây hiện nay (Ảnh: Bảo Trân).

Theo bà H., các hộ kinh doanh chim trời không trưng bày chim quý hay động vật hoang dã không rõ nguồn gốc, nhưng từ nhiều năm nay việc lấy hình ảnh tại đây là việc hết sức nhạy cảm.

"Ngày trước vào đây rất khó quay phim, chụp ảnh nhưng bây giờ chỉ một số hộ không cho, còn lại nếu xin chụp thì thoải mái", một tiểu thương tiết lộ.

Quy hoạch chợ chim thành khu thương mại

Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trung tâm này đã có thư ngỏ gửi đến UBND tỉnh Long An về việc xóa bỏ buôn bán động vật hoang dã trái phép tại chợ Thạnh Hóa.

Việc giải quyết dứt điểm nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại chợ Thạnh Hóa sẽ giúp bảo vệ môi trường và bảo tồn các loài động vật hoang dã, góp phần tăng cường an ninh trật tự tại địa phương.

'Địa ngục chim trời' lớn nhất miền Tây trước khi thành trạm dừng chân ảnh 3

Số lượng chim được trưng bày tại chợ Thạnh Hóa hiện đã giảm so với nhiều năm trước (Ảnh: Bảo Trân).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, cho biết thời gian qua, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng điều hành, giám sát, kiểm tra các gian hàng để tránh tình trạng tiểu thương buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại khu chợ này.

"Tại đây không còn tình trạng tiểu thương kinh doanh động vật quý hiếm, hoang dã công khai. Chợ hiện tại tập trung buôn bán nông sản, cá, các loại rau, các động vật có nguồn gốc gây nuôi", ông Chinh cho hay.

'Địa ngục chim trời' lớn nhất miền Tây trước khi thành trạm dừng chân ảnh 4

Công đoạn giết, làm thịt chim trời được tiểu thương thực hiện ngay tại sạp (Ảnh: Bảo Trân).

Về những hình ảnh giết mổ chim trời phản cảm gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lãnh đạo UBND huyện Thạnh Hóa cho biết đã làm việc với ban quản lý chợ để chấn chỉnh.

Lãnh đạo huyện Thạnh Hóa cũng cho rằng, tình trạng mua bán động vật hoang dã bất hợp pháp do các tiểu thương "lách luật" hay trên môi trường mạng cũng khó kiểm soát.

"Trong tương lai, chợ được quy hoạch lại bởi vì vấn đề ở chợ không chỉ giết mổ phản cảm, buôn bán động vật hoang dã mà còn liên quan đến việc kiểm soát dịch bệnh tại địa phương", ông Chinh nói.

'Địa ngục chim trời' lớn nhất miền Tây trước khi thành trạm dừng chân ảnh 5

Mô hình trạm dừng chân Thạnh Hóa thay thế chợ chim trong tương lai (Ảnh: Địa phương cung cấp).

Thay vì dẹp luôn chợ chim, UBND tỉnh Long An đã có chủ trương chấp thuận cho một nhà đầu tư xây dựng dự án khu thương mại với diện tích hơn 22.000m2 tại khu chợ này.

Khu thương mại sẽ thay thế chợ chim hiện tại, bao gồm trạm dừng chân, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu,... Trong đó, phân thành nhiều ki-ốt để người dân có nhu cầu thuê buôn bán các mặt hàng nông sản, tạp hóa, gia cầm và các loài động vật hoang dã (gây nuôi, có nguồn gốc, giấy tờ hợp pháp).

Tỉnh cũng thống nhất phương án thu mua tất cả các loại động vật không có nguồn gốc với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng; không cho phép buôn bán động vật tại đây.

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ lập báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hoàn thiện và thực hiện trong thời gian tới, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.