Đi tìm dấu vết hầm địa đạo ở Gia Lai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hầm địa đạo dài 1km ở huyện Chư Păh, Gia Lai được làm nơi cứu chữa thương bệnh binh thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trải qua 50 năm, những dấu vết còn sót lại như chứng tích một thời khói lửa.

Năm nào cũng đón đoàn vào tìm hài cốt

Con đường vào xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, Gia Lai) uốn lượn như dải dây thừng vắt ngang lưng chừng núi.

Anh Rơ Châm Tâm - Chủ tịch UBND xã Ia Reng cho hay, cách trụ sở anh 1km, hiện có một hầm địa đạo sót lại của thời kỳ chống Mỹ. Hầm nằm sâu dưới các khối đá vững chắc, nước vẫn luồn chảy trong khe hang.

Ông Nay Kiên - Chủ tịch UBND Chư Păh cho biết, với lịch sử của hầm địa đạo, huyện sẽ có những bước khảo sát đúng nghĩa để bảo vệ, bảo tồn. “Chúng tôi sẽ tìm lại con người, những nhân chứng đã chiến đấu ở đây để làm tư liệu giáo dục về lịch sử”.

Hầm từng được bộ đội tận dụng làm nơi trú ẩn và cứu chữa thương bệnh binh. Đây là giai đoạn giao tranh ác liệt giữa bộ đội ta với quân địch năm 1968. Có lẽ, vì thuộc địa phận xã Ia Kreng nên người dân hay gọi là hầm địa đạo Ia Kreng.

Công tác tại xã này 14 năm, anh Rơ Châm Tâm rất phấn khởi khi thấy tỉnh lộ vào xã dài 12km, được trải nhựa. Nhờ đại công trình thủy điện Ia Ly ngàn tỷ mở đường, xã mới có con đường thảm nhựa như bây giờ.

Người dân lên rẫy hay cán bộ đi làm, vì thế đỡ vất vả hơn. Cung đường uốn lượn quanh co đèo dốc, khuất tầm nhìn. Trên con đường này, gắn không dưới 20 biển hiệu ấn còi và gương cầu lồi để cảnh báo người đi đường.

Đi tìm dấu vết hầm địa đạo ở Gia Lai ảnh 1

Rơ Châm Tâm - Chủ tịch UBND xã Ia Kreng bên trong miệng hầm.

Núi Ia Kreng, nơi hầm địa đạo án ngữ cao so mặt nước biển hơn 1.485m. Hai bên đường rừng thông ba lá xanh thẳm, chĩa thẳng lên trời như những mũi giáo ngạo nghễ. Anh Rơ Châm Tâm thông tin, ở hầm địa đạo này, năm nào cũng có đoàn thân nhân liệt sĩ và cơ quan Quân đoàn 3 vào bốc mộ, tìm hài cốt.

“Năm 2021, người ta quy tập được 12 bộ hài cốt. Năm nào, Quân đoàn 3 cũng cử người vào tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Họ ra vào liên tục ở hầm địa đạo này”, anh Tâm cho biết.

Giai đoạn năm 1968, núi Ia Kreng xảy ra nhiều trận chiến ác liệt giữa ta và địch. Quân số địch lúc nào cũng hơn 1.000 quân án ngữ trên đỉnh núi này. Với thiết bị hiện đại, Mỹ dùng căn cứ này để kiểm soát toàn bộ mặt đất và vùng trời các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, cũng như vùng ven biên giới Campuchia, Lào.

“Về phía ta, Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 di chuyển từ Đắk Tô (Kon Tum) về đây, phối hợp với quân địa phương, đánh lên đỉnh núi Ia Kreng để phá các trận địa của địch”, anh Tâm kể. Những trận đánh ác liệt khiến hai bên đều thiệt hại nặng, người chết và bị thương rất lớn.

Đi tìm dấu vết hầm địa đạo ở Gia Lai ảnh 2

Đường lên miệng hầm địa đạo Ia Kreng, mà theo Rơ Châm Tâm là nơi bộ đội gác mành tre lên các phiến đá, để y bác sỹ cứu chữa các bệnh binh (ảnh nhỏ).

Theo lời anh Tâm, những người bị thương được đưa vào hầm địa đạo với hệ thống các hang đá lớn, nhỏ để y bác sỹ cứu chữa, băng bó. Bộ đội dùng mành tre ghép lại thành từng tấm đan, gác trên các phiến đá để bệnh binh nằm.

Bệnh viện Quân y 211 (thuộc Quân đoàn 3 đóng ở Pleiku, Gia Lai) luôn túc trực, điều động y, bác sỹ lên núi Ia Kreng cứu người bị thương. Bệnh viện này đặt sẵn 3 Trạm phẫu thuật ở xung quanh khu vực núi để cứu chữa thương bệnh binh.

Dấu tích 50 năm

Sau năm 1973, địch suy yếu, tàn quân rút quân khỏi đỉnh Ia Kreng cũng như các tỉnh Tây Nguyên. Trải qua những trầm tích thời gian, địa đạo vẫn tồn tại đến nay. Hơn 50 năm, cây cối đã phủ giăng ở cửa hầm, một số cửa hang bị bịt kín. Các cây cổ thụ án ngữ xung quanh. Tuy nhiên, mưa nắng không làm thay đổi nhiều ở địa đạo này.

Theo Chủ tịch UBND xã Ia Kreng Rơ Châm Tâm, tuần trước, mới có một đoàn thân nhân ở Hải Phòng vào địa đạo tìm hài cốt liệt sĩ. “Hầu như năm nào, xã cũng dẫn đường cho các đoàn ở các tỉnh thành phía Bắc vào cất bốc mộ liệt sĩ”, anh Tâm nói, rồi lái xe máy chở tôi theo đường đồi, lên miệng hầm.

Đi tìm dấu vết hầm địa đạo ở Gia Lai ảnh 3

Con đường từ trụ sở xã chỉ cách miệng hang 1km nhưng phải đi xe gắn máy vì dốc cao, đường hẹp, nhiều mỏm đá. Xe máy đi đến đâu, bụi cuộn mù mịt đến đó. Cửa hang là những phiến đá lớn, luồn sâu vào là những phiến đá nhỏ nằm gác lên nhau. Bên trong khoảng trống dài hun hút, nhiều ngóc ngách. Kỳ lạ, dòng suối mát lạnh vẫn chảy ở trong lòng địa đạo này.

“Thời kỳ chống Mỹ, bộ đội ta nằm dưới này, dù Mỹ - Ngụy ném bom na pan, rải thảm B-52 cũng không thể rung chuyển địa đạo hay làm vỡ các phiến đá ở đây” anh Tâm cho hay.

Bây giờ, nương rẫy, trang trại trồng cà phê, cây ăn quả của bà con phủ xanh quanh núi Ia Kreng. Ít ai còn biết đến địa đạo này, trừ những bậc cao niên từng chiến đấu ở đây và Rơ Châm Tâm, vị Chủ tịch UBND xã mẫn cán ở tỉnh Gia Lai này.

MỚI - NÓNG