Đi lễ hội nhưng quá đặt nặng cầu cúng

TP - Hàng loạt lễ hội được tổ chức trở lại, kéo theo những biến tướng, đặc biệt là quan niệm càng dâng lễ to, càng hưởng nhiều lộc. Đây là quan niệm sai lệch nhưng ngày càng đông người theo đuổi khi trẩy hội đầu xuân.
Đi lễ hội nhưng quá đặt nặng cầu cúng ảnh 1

Người dân chà tiền cầu may tại lễ hội Xuân Yên Tử 2023. Ảnh: TRỌNG TÀI

Nghĩ sai, làm sai lệch

Những biến tướng, trục lợi ở lễ hội phần nhiều xuất phát từ tâm lý cuồng tín, kèm theo sự hiểu biết chưa đúng về tâm linh. PGS.TS Đinh Hồng Hải (Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học văn hóa, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn) nói rằng: “Người Việt tin rằng có thờ có thiêng, có kiêng có lành, từ đó có thói quen thờ tổ tiên, thờ Thần tài, thờ Thổ thần, thờ ông Công ông Táo... Đó là điều rất hay vì nó dung hòa được các tín ngưỡng, tôn giáo với nhau mà không gây ra xung đột. Tuy nhiên, lại nảy sinh ra một vấn đề là nếu chúng ta cứ không ngừng dung nạp, tiếp nhận và cùng lúc thờ cúng quá nhiều thứ thì đến một lúc nào đó có thể sẽ xảy ra mâu thuẫn”, PGS.TS Đinh Hồng Hải cho biết.

Hàng nghìn lễ hội được tổ chức mỗi năm kéo theo hiện tượng tranh cướp, buôn thần bán thánh. PGS.TS Đinh Hồng Hải phân tích, một số lễ hội mới ra đời, thậm chí không liên quan gì đến văn hóa, tín ngưỡng dân tộc. Điều này tạo ra sự hỗn tạp, biến tướng ở lễ hội. “Các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng về cơ bản là nghi lễ biểu tượng. Do người ta nghĩ sai nên làm cũng sai, biến ý nghĩa biểu tượng thành sự trục lợi, kinh doanh tâm linh. Đó là mặt trái trong xã hội hiện đại”, ông lý giải. Biểu hiện này thể hiện ở những màn tranh cướp vật thiêng, vật may mắn, dẫn đến sự hỗn loạn ở lễ hội.

Ở nhiều lễ hội nổi tiếng, dịch vụ viết sớ thuê, khấn thuê nở rộ. Sự sùng bái, đặt nặng cầu cúng dễ thấy qua những mâm cao cỗ đầy, đồ lễ đắt đỏ. Tại đền ông Hoàng Mười (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), hàng trăm con ngựa giấy kích thước rất lớn được đốt để cầu lộc, tạo ra hình ảnh không đẹp chốn linh thiêng. Thần thánh không cần nhiều tiền, nhiều lễ đến vậy! “Yếu tố thế tục hóa như đưa tiền vàng, đồ mã… đều có tính trục lợi. Quan niệm vay tiền - trả tiền như ở lễ hội Bà Chúa Kho thực chất chỉ là niềm tin thế tục, gây ra tâm lý trục lợi. Đó không phải đức tin trong tôn giáo tín ngưỡng”, ông Hải khẳng định.

“Đa phần việc cầu cúng hiện nay đều theo hướng cầu lợi. Vì cầu lợi là chính, cho nên khi đến cầu cúng tại chùa, nhiều người dâng lễ thái quá, theo hướng “mâm cao cỗ đầy”, quá nhiều vàng mã... Điều này xuất phát từ quan điểm càng dâng cỗ, dâng lễ to thì càng được hưởng nhiều lộc”.

PGS.TS Ngô Văn Giá

Chống vụ lợi tâm linh

Từ lâu lễ hội được xem là một giá trị văn hóa gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống, đặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Vì vậy, các lễ hội truyền thống đầu xuân Quý Mão được mở lại đã đáp ứng được đời sống văn hóa tinh thần của đa số người dân. Đây cũng là lý do khiến các lễ hội thu hút hàng vạn du khách thập phương.

Người dân không chỉ vãng cảnh du xuân, mà còn để cầu may, cầu an khi dự hội. Từ những mong ước cầu may đầu xuân mới, nhiều người đã để lộ sự thực dụng, mê tín, dị đoan. Trên thực tế, mỗi không gian tâm linh khác nhau sẽ thờ những vị thần, thánh, hoặc Phật khác nhau. Theo nhà nghiên cứu PGS.TS Ngô Văn Giá, đền là nơi thờ thánh, đình thờ thần và chùa thờ Phật. “Khi thờ thánh, người dân mới dâng lễ mặn và cầu may về việc làm ăn, buôn bán. Nhưng hiện nay, nhiều người đến đền, chùa, đình, miếu vẫn dâng sai lễ. Điều này xuất phát từ nhận thức sai lầm của người cầu cúng”, PGS.TS Ngô Văn Giá nói.

Đi lễ hội nhưng quá đặt nặng cầu cúng ảnh 2
Nhiều người dân quan niệm càng dâng lễ to, càng hưởng nhiều lộc. Ảnh: CẢNH HUỆ

PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng, đời sống tâm linh của người Việt hiện nay đa số bị thế tục hóa, theo hướng thực dụng mà không hướng đến nhu cầu chăm sóc đời sống tinh thần, đời sống tâm linh thanh sạch, hướng thiện.

“Đa phần việc cầu cúng hiện nay đều theo hướng cầu lợi. Vì cầu lợi là chính, cho nên khi đến cầu cúng tại chùa, nhiều người dâng lễ thái quá, theo hướng “mâm cao cỗ đầy”, quá nhiều vàng mã... Điều này xuất phát từ quan điểm càng dâng cỗ, dâng lễ to thì càng được hưởng nhiều lộc”, PGS.TS Ngô Văn Giá nêu.

Quan niệm càng dâng lễ to càng hưởng nhiều lộc cũng ảnh hưởng đến cách nhiều người cầu cúng tại chùa. Không chỉ bất chấp dâng “mâm cao cỗ đầy”, nhiều người tiện tay nhét tiền giọt dầu ở mọi nơi trong chùa, không theo quy định của BQL đền, chùa, di tích.

Lý giải hành vi này, ông Ngô Văn Giá cho rằng, đối với người không có tâm lý vững vàng sẽ dễ bị a dua, chạy theo đám đông thực hiện những nghi lễ sai lầm. Để thực hiện đúng những nghi lễ tâm linh, không phá hỏng không khí linh thiêng, uy nghiêm nơi đền, chùa, người dân cần bình tâm, cải thiện đời sống tâm linh theo hướng thanh bình, hướng thiện. Đây mới là những điều quan trọng nhất của đời sống nội tâm con người.

Các chuyên gia văn hóa luôn đưa ra lời khuyên hướng về những điều thiện, tích cực làm việc tốt với quan niệm “đức năng thắng số”. Tấm lòng hướng về thần Phật, tổ tiên ở đâu cũng được trân trọng. Đó là những giá trị bền vững chống lại những tiêu cực, vụ lợi trong văn hóa tín ngưỡng.