Đề xuất xóa trang tin điện tử tổng hợp

Nhà báo Hữu Thọ đề nghị xóa bỏ các trang thông tin điện tử tổng hợp (ảnh minh họa).
Nhà báo Hữu Thọ đề nghị xóa bỏ các trang thông tin điện tử tổng hợp (ảnh minh họa).
TP - Ngày 10/7, tại Hội nghị tham vấn chuyên gia đóng góp cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị xoá bỏ khái niệm “trang thông tin điện tử tổng hợp”.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói rằng, sau 15 năm thi hành, Luật Báo chí hiện nay đã tạo hành lang pháp lý cho quản lý lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và internet, Luật Báo chí không còn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhiều quy định đang bộc lộ những hạn chế, bất cập... Vì vậy, việc sửa đổi Luật Báo chí hiện nay là nhu cầu cấp thiết.

Sẽ xóa bỏ trang thông tin điện tử tổng hợp?

Đề cập thực trạng “làm báo a dua và cắt dán”, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, lưu ý đến khái niệm “trang thông tin điện tử tổng hợp”. Theo quy định, trang tin được tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí, đồng thời ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan báo chí... Tuy nhiên, thực tế, nhiều trang tin lại dùng thủ thuật cắt dán, lấy mỗi bài báo một ít rồi chế thành bài của mình. Theo nhà báo Hữu Thọ, điều này làm những người làm ở các tờ báo điện tử đứng đắn rất đau lòng. Nhà báo Hữu Thọ đề nghị Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) phải quy định chi tiết để khống chế kiểu “làm báo cắt dán” rất phổ biến hiện nay.

Chủ tịch HĐQT Công ty Le Media Lê Quốc Vinh cho rằng, các trang thông tin điện tử tổng hợp đang xâm phạm bản quyền báo chí nhiều nhất. Theo ông Vinh, trang thông tin điện tử tổng hợp tồn tại là một sự bất hợp lý. Mặt khác, nếu Dự thảo luật đưa ra quy định trang tin điện tử tổng hợp được phép sao chép từ ít nhất 5 cơ quan báo chí thì chẳng khác nào lại khuyến khích hành vi vi phạm bản quyền. Khi các trang tin nhiều, việc ngăn chặn sao chép sẽ rất khó khăn. Ông Vinh đề nghị dẹp bỏ loại hình trang thông tin điện tử tổng hợp, không đưa vào Dự thảo. Ngoài ra, ông Vinh đề nghị bổ sung chức năng bảo vệ bản quyền báo chí vào nội dung quản lý. Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần bổ sung vai trò trọng tài khi xảy ra các tranh chấp bản quyền báo chí, ông Vinh nói.

Không nên né tránh báo chí tư nhân

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói rằng, nên thừa nhận loại hình báo chí tư nhân. Theo GS Thuyết, quyền tự do báo chí là một trong những quyền công dân mà Hiến pháp ghi nhận, nên cũng phải được điều chỉnh theo. Tuy nhiên, cho đến lần sửa đổi này, Dự thảo Luật Báo chí vẫn chưa thừa nhận báo chí tư nhân.

Dẫn chứng nhiều tờ báo như Vietnamnet, VnExpress, VTC trước đây đều do doanh nghiệp thành lập, sau này mới giao cho Nhà nước quản lý, GS Thuyết cho rằng, ở góc độ pháp lý, việc thừa nhận báo chí tư nhân không chỉ phù hợp với Hiến pháp mà còn phù hợp với quy định của Luật Báo chí hiện hành. “Báo chí là diễn đàn của nhân dân, chúng ta không nên sợ. Tại sao các nước đã làm và không làm sao cả, còn chúng ta lại né tránh? Đây là điều tất yếu của xã hội mà chúng ta không né tránh mãi được”, GS Thuyết bày tỏ quan điểm.

Theo bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc đưa ra một chương quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân là một điểm sáng trong Dự thảo Luật. Bà Đan cũng lưu ý đến vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chủ quản. Do vậy, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan chủ quản khi tờ báo xảy ra sai sót, bà nói.

Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có nhiều điểm mới, như chính sách ưu đãi thuế, phí trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và mô hình hoạt động của cơ quan báo chí. Quỹ Hỗ trợ phát triển báo chí là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Một điểm mới khác là quy định Phó Tổng biên tập phụ trách quảng cáo, phát hành không cần phải có thẻ nhà báo, không nhất thiết phải là nhà báo như quy định hiện hành.

MỚI - NÓNG