Để mất rừng do buông lỏng quản lý, lợi ích nhóm

Hiện trường vụ khai thác lâm sản trái phép tại xã Sro’, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai Ảnh: Lê Tiền
Hiện trường vụ khai thác lâm sản trái phép tại xã Sro’, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai Ảnh: Lê Tiền
TP - Trao đổi với Tiền Phong liên quan tình trạng để mất rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở Tây Nguyên, ông Phạm Quốc Doanh, nguyên  Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối lâu nay, ngoài việc buông lỏng quản lý, có cả chuyện tiêu cực, lợi ích nhóm.

Theo ông Doanh, vấn đề lấn chiếm, tranh chấp, chồng lấn, để mất đất rừng…ở Tây Nguyên cũng như nhiều địa phương là thực trạng nhức nhối lâu nay, nhất là thời điểm trước khi ra đời Nghị quyết 30 (tháng 3/2014) của Bộ Chính trị và Nghị định 118 (tháng 12/2014) về sắp xếp, đổi mới, nông lâm trường.

Ông Doanh cho biết, thống kê, rà soát lại sau khi Nghị quyết 30 và Nghị định 118 ra đời, có khoảng 20-30% diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. “Tuy nhiên, thực chất, những khoảnh đất đó đều có chủ, và trồng loại cây khác, chứ không phải không có cây… Có những công ty có tới 5-7 nghìn ha nằm trong diện đó”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng, có tình trạng trên do buông lỏng quản lý quá lâu, khiến đất rừng bị lấn chiếm, kể cả dân tại chỗ và dân di cư. Bởi, khi hình thành các nông lâm trường chúng ta chỉ dựa trên “một tờ A4”, rồi khoanh vẽ trên bản đồ, chứ chưa đo đạc cắm mốc đất đai, tức là giao đất rừng trên giấy…Do vậy, khi Nghị quyết 30, Nghị định 118 yêu cầu làm rõ mọi thứ mới “trật lất”. 
“Do giao đất trên giấy, nên từ đợt nọ đến đợt kia, từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, không ai dám thừa nhận việc đó, vì sợ trách nhiệm. Cùng với sức ép về đất sản xuất của người dân địa phương, dân di cư…dẫn đến tình trạng không quản nổi, mạnh ai nấy phá rừng để canh tác”, ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, tại Gia Lai, Đắk Lắk…hay các tỉnh Tây Nguyên, các con số về diện tích đất rừng đều đã có trên biểu bảng, nhưng vấn đề phải đo đạc thực địa để đối chiếu, xem đất rừng còn bao nhiêu, có như trong giấy tờ báo cáo hay không. 

“Cần thống kê, cắm mốc, đo đạc, đưa vào bản đồ dải thửa…xem thực tế đất rừng còn bao nhiêu và chấp nhận sự thật, chứ không nên thống kê trên giấy. Cùng đó, cần làm rõ các đối tượng đang sử dụng đất là ai, nhận khoán, giao đất, cho thuê, hay cho mượn đất… thế nào, từ đó để xử lý”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng cho biết, Nghị quyết 30  ra đời từ năm 2014, nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa xử lý được nhiều những vướng mắc trên. “Sắp xếp nông lâm trường, cái gốc là đất đai. Nếu không làm rõ được nguồn gốc, bản chất đất đai trên thực địa ra sao, thì sao làm được những việc khác”, ông Doanh nói.

Liên quan đến tình trạng để mất rừng, tranh chấp đất rừng, ông Doanh cho rằng, ngoài vấn đề buông lỏng quản lý, còn có  tiêu cực, nhóm lợi ích. “Có lần đi thực tế ở Đắk Lắk, tôi biết cán bộ lâm trường đã gọi các công ty khác vào để liên kết, lấy danh nghĩa công ty 2 thành viên, dù thời đó chưa có quy định, để chuyển đổi ồ ạt  đất rừng sang đất trồng cao su. Thậm chí, vì tư lợi, nên có tình trạng cán bộ cho những người thân tín mượn đất, cho thuê đất…chiếm những vị trí đất đẹp”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, liên quan đến bài báo: “Những cánh rừng rỗng ruột”, đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 17/3, trao đổi phóng viên Tiền Phong, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục Trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chúng tôi sẽ nắm các vấn đề mà báo Tiền Phong phản ánh, đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị trong hệ thống và địa phương báo cáo cụ thể”, ông Công nói.

Liên quan bài báo: “Những cánh rừng rỗng ruột”, đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 17/3, trao đổi phóng viên Tiền phong, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục Trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chúng tôi sẽ nắm các vấn đề mà báo Tiền Phong phản ánh, đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị trong hệ thống và địa phương báo cáo cụ thể”, ông Công nói. 

MỚI - NÓNG