Dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương là một trong những dịp Tết cổ truyền của người Việt. Trong mâm cỗ cúng ngày Tết Đoan Ngọ không thể thiếu rượu nếp và hoa quả. Bên cạnh những gia đình đặt mua, nhiều người dậy từ sáng sớm chuẩn bị mâm cúng.

Mâm cúng truyền thống

Từ sáng sớm, các khu chợ Hà Nội đông kín người, ai nấy vội vã mua sắm vật phẩm cho ngày Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt, hàng rượu nếp, hoa quả luôn tấp nập, người ra người vào. Bà Đỗ Thị Lợi (phố Chính Kinh, Thanh Xuân) cho biết phải dậy từ 5h30 để chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ.

“Mâm cúng Tết Đoan Ngọ cần có các loại hoa quả: mận, vải, quất hồng bì… Mỗi thứ tôi chuẩn bị một ít. Hàng chục năm nay gia đình tôi đều đón Tết Đoan Ngọ đầy đủ”, bà Lợi chia sẻ.

Dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ ảnh 1

Hàng rượu nếp luôn tấp nập người mua hàng dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Duy Phạm.

Bà Mười (Nhân Chính, Thanh Xuân) cũng tất bật chọn lựa đồ cho mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ. “Năm nào vào ngày này tôi cũng mua hoa quả, thắp hương cầu cho gia đình bình an, con cái thành đạt, sức khỏe dồi dào”, bà Mười nói.

Dù công việc bận rộn, chị Vũ Thị Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) cố gắng dậy sớm chuẩn bị đồ cúng và thắp hương trước khi đi làm. "Trước đây khi tôi ở nhà cùng bố mẹ, mẹ tôi thường chuẩn bị mâm cúng, nhìn có vài món nhưng bắt tay vào thấy thấy cũng phức tạp. Đây là tập tục quan trọng, không thể bỏ được", chị Vũ Thị Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ ảnh 2Dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ ảnh 3

Mâm cỗ cúng ngày Tết Đoan Ngọ được chuẩn bị công phu, đẹp mắt.

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương được tổ chức vào giờ ngọ ngày 5/5 âm lịch. Đây là ngày Tết truyền thống của một số quốc gia: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.

Vẹn nguyên giá trị

Trong văn hoá cổ truyền Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp lễ, tết quan trọng. Đoan có nghĩa là mở đầu, ngọ là trong khoảng thời gian từ 11h đến 13h. Tết Đoan Ngọ thường được tổ chức vào buổi trưa. Ở Việt Nam Tết Đoan Ngọ còn được gọi là lễ giết sâu bọ.

"Vào ngày 5 tháng 5 âm lịch là giai đoạn mùa hè nắng nóng, nhất là miền Bắc có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên hay sinh ra các bệnh dịch, những loài vi khuẩn phát triển. Ngày xưa, y tế chưa phát triển, không có nhiều loại thuốc kháng sinh như bây giờ nên người dân chỉ biết đến các biện pháp dân gian", TS. Đinh Đức Tiến - giảng viên bộ môn Văn hoá học, khoa Lịch sử ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu.

Đây cũng là lý do người dân sử dụng những loại hoa quả, đồ ăn có tính chua, chát như: mận, vải, quất hồng bì... và rượu nếp mang tính sát khuẩn trong mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ hay ngày giết sâu bọ.

Dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ ảnh 4

Mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ luôn có những loại hoa quả, đồ ăn có tính chua, chát như mận, vải, quất hồng bì... và rượu nếp mang tính sát khuẩn.

TS. Đinh Đức Tiến cho biết sau 1.000 năm Bắc thuộc những giá trị văn hoá của Trung Quốc được người Việt tiếp thu, dần dần trở thành một thói quen trong đó có Tết Đoan Ngọ.

"Mặc dù tiếp thu từ Trung Quốc nhưng chúng ta lại có sự biến hoá, biến đổi để các tập tục phù hợp với hoàn cảnh của người Việt Nam", TS. Tiến nói.

Tuy nhiên, qua thời gian những tập tục này dần có sự thay đổi. Theo TS. Đinh Đức Tiến những năm 1980 của thế kỷ XX dù người dân gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và thực hiện bài bản những nghi thức cúng bái.

“Những năm 1990 đến 2000 một số khu đô thị, khu dân cư đông đúc đặc biệt ở Hà Nội không còn cúng Tết Đoan Ngọ nữa. Lý do được đưa ra là quá bận rộn với công việc, không có nhiều thời gian nên chỉ mua đồ về ăn”, TS. Đinh Đức Tiến nêu.

Hiện nay, khi đời sống phát triển, người dân nhận thức được tầm quan trọng của các giá trị truyền thống, họ duy trì thực hành lại các nghi thức xưa. “Phú quý sinh lễ nghĩa - khi cuộc sống no đủ, người ta bắt đầu quay lại giá trị truyền thống. Những vật phẩm trong ngày Tết Đoan Ngọ hiện nay ngày càng đa dạng và phong phú hơn”, TS. Đinh Đức Tiến cho biết.

MỚI - NÓNG