Dấu ấn đặc biệt của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều ngày 24/11, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã công bố ca ghép gan thứ 200 thành công. Với thành tựu này Bệnh viện trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất cả nước.

Đại tá, PGS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện nay, cả nước ta có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 500 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 200 ca ghép gan (tính đến ngày 24/11/2023 Bệnh viện đã ghép thành công 204 ca), trở thành Trung tâm ghép gan lớn nhất và cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước.

Dấu ấn đặc biệt của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam ảnh 1

Đại tá, PGS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát biểu tại hội thảo.

Mỗi năm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100 -150 ca/mỗi năm. Bệnh viện cũng làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, đây là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não. Đồng thời, bệnh viện cũng đã triển khai, thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau.

Đánh giá kết quả 200 ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Đại tá, PGS. TS. Lê Văn Thành - Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan - Mật - Tụy, cho biết: “Chỉ sau 2 tuần, bệnh nhân được ghép gan có thể hồi phục trở lại; tỷ lệ người sống trên 5 năm sau khi thực hiện ghép gan đạt 70%; số bệnh nhân biến chứng thấp. Để tăng cơ hội sống cho bệnh nhân, bệnh viện đã sử dụng rộng rãi phương pháp ghép bất đồng nhóm máu, đây cũng là cơ hội để tăng nguồn hiến gan cho bệnh viện thực hiện các ca ghép gan sau này.

Dấu ấn đặc biệt của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam ảnh 2

Các bác sĩ thực hiện ca ghép gan

Tháng 11/2021 là thời điểm ghi dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan của Bệnh viện, đó là lấy mảnh gan ghép (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Tính đến nay, ở nước ta, Bệnh viện 108 là cơ sở y tế duy nhất triển khai kỹ thuật này.

PGS. TS Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, bệnh viện đã có khoảng 20 trường hợp được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ người hiến sống. Đây là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất, đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Bên cạnh đó, phương pháp phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận cũng là xu thế trong tương lai.

Tại hội thảo, Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh: “Ghép tạng không phải là kỹ thuật của bác sĩ chuyên khoa ghép tạng, mà là sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và các trung tâm với nhau. Trong đó, sự hợp tác với các trung tâm hiến tạng là rất quan trọng, nguyên nhân là do số người cho hiến tạng hiện nay rất ít”.

Để tiếp tục phát huy phương pháp ghép gan, trong tương lai, bệnh viện sẽ hướng đến ghép tạng nhân tạo thông qua việc tăng cường áp dụng khoa học công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, ưu tiên xây dựng chương trình vận động hiến tạng và phát động phong trào hiến tạng, chương trình vinh danh người hiến tạng; hoàn thiện quy trình pháp lý chặt chẽ, đúng quy trình pháp luật.

Những kết quả đạt được như trên là sự nỗ lực, cố gắng của bệnh viện, cùng sự quan tâm chăm lo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, sự hợp tác của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, Hội Ghép tạng Việt Nam và sự hy sinh cao cả của người hiến tạng và gia đình bệnh nhân.

MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.