Đan Phượng - Những dấu ấn sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, huyện Đan Phượng đã có nhiều đổi mới, bứt phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển chung của Thủ đô.

Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ. Huyện ủy Đan Phượng đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng. Các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở căn cứ vào tình hình và vận dụng sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, của thành phố, đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp, tạo được sự thống nhất cao, nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống như: Chủ trương xây dựng nông thôn mới, Kết luận số 62-KL/HU ngày 4/10/2012 về “hỗ trợ xây dựng đường giao thông ngõ xóm”; Chỉ thị số 22-CT/HU của huyện ủy về “Tăng cường lãnh đạo xây dựng nếp sống văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn huyện”; Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 15/7/2022 của huyện ủy về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của huyện ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo…

Đan Phượng - Những dấu ấn sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô ảnh 1

Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng

Huyện chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng quy định. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Huyện ủy thành lập các tổ công tác trực tiếp dự sinh hoạt tại 100% các chi bộ thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Công tác dân vận được quan tâm, chỉ đạo đổi mới theo hướng gần dân, sâu sát cơ sở và đạt hiệu quả thiết thực…

“Lá cờ tiên phong” trong xây dựng nông thôn mới

15 năm qua, kinh tế của huyện phát triển đồng bộ cả về quy mô, chất lượng và giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá.

Tổng giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng 11 lần (năm 2008 đạt 1.542 tỷ đồng; năm 2022 đạt 17.063 tỷ đồng). Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Huyện quan tâm đầu tư xây dựng 7 cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và nguồn thu ngân sách bền vững.

Nông nghiệp được chú trọng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; Thương mại, dịch vụ phát triển đa đạng, phong phú ở tất cả các lĩnh vực…

Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 73 triệu đồng/người/năm, tăng gấp gần 7 lần so với năm 2008. Đến năm 2023, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.

Đặc biệt, huyện Đan Phượng là một trong những đơn vị đứng đầu thành phố về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia với 54/59 trường. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được quan tâm, củng cố với 16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (tăng 8 xã so với năm 2008)…

Với phong trào “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận” và cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, đến năm 2023, 100% các tuyến đường trên địa bàn huyện được bê tông hóa trở lên, được trang trí hoa, cây xanh và có hệ thống thoát nước, được lắp biển tên đường, gắn số nhà.

Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Đan Phượng đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển đô thị trong năm 2023 và mục tiêu phát triển xã thành phường, huyện thành quận vào năm 2025, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Trải qua 15 năm phát triển, huyện Đan Phượng đã để lại những dấu ấn, góp phần quan trọng trong sự phát triển của Thủ đô. Huyện luôn giữ vững vị trí “lá cờ tiên phong” trong xây dựng nông thôn mới của Thủ đô.

Năm 2015 là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, 15/15 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, 12/15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chí phát triển đô thị. Năm 2022, huyện Đan Phượng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

MỚI - NÓNG