Chiều 4/8, tại bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), Sở Văn hóa-Thể thao (VH&TT) tỉnh Bình Định tổ chức lễ tiếp nhận 65 hiện vật do Đại đức Thích Quảng Dũng - Trụ trì chùa Long Hoa (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) hiến tặng. |
Trong số các hiện vật có 11 thanh trường kiếm, đoản kiếm. Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho hay, số hiện vật này có nguồn gốc từ vùng căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (nay thuộc xã Cửu An, TX An Khê, tỉnh Gia Lai). Căn cứ vào loại hình hiện vật và địa điểm phát hiện thì những thanh kiếm được xác định là binh khí của nghĩa quân Tây Sơn. |
Đối với 54 hiện vật còn lại là bát, chén chất liệu gốm, sứ, các loại trang sức, vòng đeo tay, khuyên tai, bình vôi, ngoáy trầu.., tương đồng về mặt thời gian. Các hiện vật này đang được Bảo tàng nghiên cứu để thực hiện các bước tiếp theo. |
Những hiện vật được Đại đức Thích Quảng Dũng sưu tầm, gìn giữ và phát tâm hiến tặng cho bảo tàng Quang Trung. |
Các hiện vật là nguồn tư liệu quý giá, bổ sung cho việc sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và trưng bày hiện vật phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan của công chúng, nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thời Tây Sơn. |
Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, Giám đốc Sở VH&TT Bình Định trao bằng khen cho Đại đức Thích Quảng Dũng đã có thành tích đột xuất, xuất sắc trong nghiên cứu, sưu tầm và hiến tặng hiện vật cho bảo tàng Quang Trung, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định ghi nhận sự đóng góp đầy nghĩa cử cao đẹp của Đại đức Thích Quảng Dũng, trong việc góp phần xây dựng bảo tàng Quang Trung ngày càng phát triển, nhằm tôn vinh triều đại Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, một triều đại tỏa sáng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Theo ông Chánh, đây là những hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học. Là nguồn tư liệu quý giá, bổ sung cho việc sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và trưng bày hiện vật phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan của công chúng, nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thời Tây Sơn.