Dai dẳng hủ tục vùng cao - Kỳ cuối: Bước qua lệ làng

Sản phụ Hồ Thị Hao vừa sinh con từ bìa rừng về.
Sản phụ Hồ Thị Hao vừa sinh con từ bìa rừng về.
TP - Sinh đẻ, nhất là trường hợp không chồng có con là điều tối kỵ với đồng bào dân tộc, nên buộc phải sinh ở bìa rừng hay phải chôn sống trẻ cùng sản phụ xấu số…

Phước Sơn (Quảng Nam) một thời nhộn nhịp với dòng phu vàng tứ xứ về đây nuôi giấc mơ đổi đời. Và ở những xã vùng sâu như Phước Thành, Phước Lộc, Phước Chánh…, có những đứa trẻ không cha, sớm phải giành giật mạng sống nơi rừng sâu vì hủ tục.

Trưa nắng, chị Hồ Thị Sanh (xã Phước Thành) dựng chiếc xe thồ rồi vội vã xới cơm cho hai đứa trẻ ăn trưa. Sanh xới cho mình một tô, chan nước mắm, không ai nói với nhau lời nào, ba mẹ con ngồi trước thềm nhà quay ra phía rừng dùng bữa. Cánh rừng trước mặt chị là nơi ba đứa con của ba người chồng hờ của chị ra đời. Những đứa trẻ kết cục của những mối tình sơn nữ đẹp có tiếng ở Phước Thành.

Sanh kể cuộc đời mình là những ngày dài bất hạnh, kể từ khi cơn lốc vàng tràn qua bản nhỏ. Cô sơn nữ không thể cưỡng lại lời ong ve của những người đàn ông lang bạt kỳ hồ, đã mang bầu với một người đàn ông quê Thái Bình. Lúc mang bầu đứa đầu, cha mẹ Sa tuyên bố bỏ, xóm làng xì xào. Ngày gần vượt cạn theo tập tục của dân làng, Sanh tự tay dựng cho mình căn chòi nhỏ bằng tre nứa bên suối nước, bên bìa rừng. Một ít gạo đỏ, mùng mền áo quần cũ để gói đứa con nhỏ lọt lòng. Sanh còn chuẩn bị cả một thanh nứa thật sắc để cắt rốn cho con. Khi tiếng khóc của con trai đầu o oe bên bờ suối, Sanh tự tay cắt rốn cho con trai xong rồi ngất lịm. Vài giờ sau, Sanh tỉnh lại trong vòng tay dì ruột của mình. Đứa con trai đầu lòng phải giành giật sự sống ngay từ khi mới lọt lòng. 

Để có tiền nuôi con, Sanh theo đoàn cõng chuyến vào bãi vàng và không tránh khỏi lời dụ dỗ mật ngọt của những phu vàng thèm khát đàn bà. Mấy năm sau, Sanh tiếp tục có mang với 2 người đàn ông khác quê ở Thái Nguyên và Quảng Ngãi. Và lần lượt, hai đứa con nữa cũng chào đời ở bìa rừng như anh nó. 

Riêng ở xã Phước Thành, không ai nhớ nổi bao nhiêu đứa trẻ như con Sanh phải cất tiếng khóc giữa rừng sâu, trong thiếu thốn hiểm nguy vì tập tục lạc hậu! “Dân làng đâu có cho sinh ở làng, nên phải ra bìa rừng sinh đẻ. May sao con cái đứa nào cũng khỏe mạnh và lớn khôn. Chỉ có điều chúng không biết mặt cha”, Sanh buồn rầu.

Cách Phước Thành không xa là xã Phước Lộc nơi vừa bùng phát dịch bạch hầu hồi tháng 7, người dân sợ tiêm chủng hơn sợ chết. Phước Lộc vừa có điện lưới từ đầu tháng 9 nhưng chỉ vài thôn gần trung tâm xã đã được thắp sáng, ánh điện thay cho ánh sao trời. Có điện chính quyền hi vọng sẽ thay đổi quan niệm và tập tục của người dân trong đó có quan niệm kiêng cữ việc sinh đẻ của phụ nữ.

Ông Lưu Huyền Thoại, Phó chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, quan niệm, tập tục của người dân nơi đây còn lạc hậu, cần có thời gian để thay đổi nhận thức. Chuyện sinh đẻ và nhất là chuyện phụ nữ chửa hoang, dân làng rất tối kỵ. Nếu không may xảy ra, dân làng sẽ bắt cúng làng. Việc cúng bái rất tốn kém bởi dân làng bắt phạt lợn, gà, thậm chí cả trâu, bò. Cúng xong, thời kỳ sinh bắt phải ra ở bìa rừng dựng lán trại để sinh đẻ, tuyệt đối không được về làng, về nhà khi chưa đủ cữ.

Mới năm ngoái, tại thôn 5B ngay gần trung tâm xã Phước Lộc, hai thiếu nữ tuổi đôi mươi Hồ Thị Kép và Hồ Thị Hai lỡ dại có bầu với hai công nhân làm đường. Đường làm xong, công nhân rút quân. Vì không chồng mà có con, cả hai bị dân làng bắt cúng heo đen, gà, rượu rồi bắt ra rừng sinh đẻ. 

Chính quyền địa phương hay tin vào vận động, dân làng đồng ý cho đưa ra trạm xá sinh nhưng sinh xong phải ra bìa rừng dựng lán ở, hết cữ mới được quay về. Ông Huyền Thoại lắc đầu: “Tập tục quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức rồi. Dịch bạch hầu thấy chết đó, dân làng còn không sợ, huống chi chuyện sinh đẻ của chị em. Chính quyền nói rát họng dân cũng không nghe. Lo nhất là sống giữa rừng, thiếu thốn không được chăm sóc, trẻ sống chết lúc nào không hay ”.

Sản phụ Hồ Thị Hao ở thôn 8B, vừa ẵm con được 1 tháng tuổi từ rừng về. Hao và con xanh xao yếu ớt. Dù có chồng con đàng hoàng, nhưng đến kỳ sinh nở, dân làng kiêng cữ không cho Hao sinh con trong làng, buộc lòng phải dựng lều để sinh con nơi bìa rừng. Theo lời kể dân làng và cán bộ xã, trước đến nay nhiều trường hợp trẻ đã tử vong trong rừng vì yếu ớt và thiếu thốn. Những trường hợp đó, người dân cũng lặng lẽ chôn cất, chỉ có dân làng biết với nhau và họ âm thầm cúng bái.

Dai dẳng hủ tục vùng cao - Kỳ cuối: Bước qua lệ làng ảnh 1

Nữ y tá Hồ Thị Hiếu cùng con trai nuôi Hồ Quốc Khánh được chị giành giật cứu sống từ huyệt mộ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người bước qua lệ làng, cứu trẻ từ huyệt mộ

Ngôi làng Tắk Giang thuộc thôn 6 xã Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam) nằm vắt mình ở lưng chừng ngọn núi Piêu, cuộc sống người dân hoang sơ như núi rừng. Nơi đây vẫn đang tồn tại những hủ tục hết sức lạc hậu và rùng rợn. Trong đó, tục chôn trẻ sơ sinh theo mẹ, khi sản phụ không may tử vong – là một tập tục tồn tại từ rất lâu của người Xê Đăng.

“Giờ thấy con khôn lớn, vợ chồng chúng em rất hạnh phúc. Sau khi cứu cháu bé, dân làng xa lánh em và không cho em về làng vì dám đụng đến luật tục của dân làng. Nhưng bằng tình yêu của em dành cho con trẻ, dần dần bà con dân làng cũng thôi định kiến”.

Hồ Thị Hiếu tâm sự

Cháu bé Hồ Quốc Khánh năm nay hơn 3 tuổi, kháu khỉnh. Ít ai ngờ lúc vừa  chào đời cháu suýt bị đem chôn sống cùng người mẹ xấu số chỉ vì hủ tục của dân làng Tắk Giang. Người giành mạng sống cho Khánh ngày ấy, giờ chính là người mẹ thứ hai của em - cô y tá Hồ Thị Hiếu đang công tác tại trạm y tế xã  Trà Cang. Câu chuyện về cuộc giải cứu sinh linh bé nhỏ khỏi tay tử thần của nữ y tá dám bước qua lệ làng gián tiếp xóa bỏ hủ tục ở rừng xanh vẫn như vừa hôm qua.

Hiếu kể: sáng sớm ngày 2/9/2012, sản phụ Hồ Thị Yên ở tại làng Tắk Giang chuyển dạ và sinh tại nhà riêng được bé trai nặng 2,5 kg. Sau khi sinh hạ, chị Yên bị tai biến băng huyết và tử vong tại nhà. Vì tập tục gia đình và dân làng quyết định chôn sống cháu bé với mẹ mình. 

Nhận được tin, cô y tá chưa chồng người Xê Đăng, Hồ Thị Hiếu tuổi vừa 25, quyết định băng rừng để cứu đứa nhỏ. Sợ đến nơi không kịp, cô gọi điện cho em gái mình là Hồ Thị Hoàng, 19 tuổi đang ở làng đến để can ngăn.

Hoàng nghe lời chị, tới gặp anh Hồ Văn Xếp (bố đưa trẻ) để khuyên nhủ nhưng anh Xếp một mực không nghe. Nhiều người dân trong làng biết chuyện đã cự tuyệt và quyết định đưa bé trai này theo mẹ về cõi âm.

Dai dẳng hủ tục vùng cao - Kỳ cuối: Bước qua lệ làng ảnh 2

Những đứa trẻ vùng cao lớn lên ở bìa rừng.

Trước sự an toàn của cháu bé, Hiếu đã gọi điện cho Hoàng nhất quyết là phải tìm mọi cách cứu sống đứa trẻ. Theo sự hướng dẫn của Hiếu, trong lúc dân làng đang chuẩn bị chôn cất 2 mẹ con, Hoàng bồng cháu bé bỏ chạy. Cuộc tháo chạy trong sự ngỡ ngàng của dân làng. 


Hoàng và Hiếu gặp nhau giữa đường rừng, tìm cách trốn khỏi sự truy đuổi của dân làng. Sau hơn 2 giờ đồng hồ men theo dòng sông Piêu, Hiếu và Hoàng đã đưa cháu bé về Trung tâm y tế huyện nhờ các y, bác sỹ cứu giúp. Cháu bé được cứu sống trong ngày 2/9, nên Hiếu đặt tên là Quốc Khánh và dù chưa có chồng Hiếu vẫn quyết nhận Khánh làm con nuôi. 

Hằng ngày vừa lo toan công việc ở trạm vừa chạy vạy kiếm tiền mua sữa nuôi nấng Khánh lớn khôn đến ngày hôm nay. Cảm kích tấm lòng của cô nữ y tá, chàng trai người Zơ Râm Phượng (người dân tộc Cơ Tu) tận huyện Nam Giang vượt đường xa qua thăm Hiếu, hai người nảy sinh tình cảm rồi nên nghĩa vợ chồng được hơn năm nay. Quốc Khánh sống ấm áp hơn trong sự bao bọc của đôi vợ chồng trẻ.

Chị Hiếu kể, trước sự việc cứu cháu Khánh hơn 1 năm, cũng tại ngôi làng này đã xảy ra một câu chuyện còn thương tâm hơn, làm chị day dứt mãi vì không cứu kịp đứa trẻ bất hạnh. Vào thời điểm đó, chị Hồ Thị Xam (sinh năm 1976) sinh được một bé trai nặng hơn 3kg, nhưng không may chị Xam tử vong tại nhà. Dân làng đem xác chị Xam đi chôn cất vào rừng ma cùng với đứa trẻ còn đỏ hỏn. Dân làng nơi đây quan niệm, nếu không chôn đứa trẻ theo mẹ, lỡ bị khát sữa chết sẽ thành con ma xấu làm hại cả làng!

“Hồi đó, sau khi nghe tin xấu, em đã tức tốc chạy bộ lên làng để cứu đứa bé nhưng vì đường quá xa xôi, lên đến nơi thì đã quá muộn. Trước đó ở làng này cũng xảy ra những vụ việc thương tâm như vậy. Em cũng không hiểu vì sao họ có thể làm những chuyện khủng khiếp đến thế!?”, nữ y tá Hồ Thị Hiếu day dứt.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.