Cụ thể hơn nữa tiêu chí đánh giá cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh vấn đề này.
Cụ thể hơn nữa tiêu chí đánh giá cán bộ ảnh 1
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục được nhiều ý kiến đề nghị là tiêu chí để đánh giá tín nhiệm cán bộ. Trong ảnh là hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp thủy sản ở Hậu Giang

Theo bà, trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm cho cán bộ lãnh đạo các cấp tới đây, tiêu chí về tăng trưởng kinh tế cần được đặt ra như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn mang tính chất định tính, chưa thật sự cụ thể. Kết quả đánh giá cán bộ thời gian qua chưa thật sự phản ánh đúng thực tiễn năng lực của cán bộ. Do đó, việc cụ thể hoá các tiêu chí đánh giá cán bộ là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong thời gian tới. Có thể lấy thước đo là các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ công qua thái độ tiếp dân, xử lý công việc của dân, của doanh nghiệp, về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công…

“Tôi đánh giá cao loạt bài của báo Tiền Phong đã kịp thời phản ánh một cách chân thực những đóng góp, nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo các tỉnh, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế đã được Trung ương, Chính phủ đề ra”.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên

Lan tỏa những nhân tố mới

Bà đánh giá gì về loạt bài của báo Tiền Phong ghi nhận những cán bộ lãnh đạo, dù tỉnh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song vẫn dám nghĩ, dám làm, có sáng tạo trong điều hành để địa phương vượt khó, tăng trưởng tốt?

Có thể nói, phục hồi kinh tế sau đại dịch là một việc khó, đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt trong tình hình kinh tế toàn cầu và khu vực đang rất khó khăn như hiện nay lại càng khó hơn. Tăng trưởng tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song, vai trò của cán bộ, lãnh đạo ở những ngành, lĩnh vực, những địa phương rất quan trọng.

Từ góc độ lý luận, chúng ta có thể khẳng định, cán bộ là gốc của mọi việc, công việc thành công hay thất bại cũng do cán bộ tốt hay kém. Người cán bộ, lãnh đạo tài năng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ có những phương hướng, cách thức, cách làm, cách tổ chức khoa học, khách quan và thực tế, từ đó tạo ra động lực lớn cho sự phát triển.

Tôi đánh giá cao loạt bài của báo Tiền Phong đã kịp thời phản ánh một cách chân thực những đóng góp, nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo các tỉnh, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế đã được Trung ương, Chính phủ đề ra. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, lan tỏa những nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến và những thành tựu trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Theo bà, từ thực tế vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng rất cần có đánh giá mạch lạc, thẳng thắn hơn về hiệu quả công việc của cán bộ, làm sao thể hiện được rõ trong sức nặng của lá phiếu tín nhiệm?

Đúng là trong thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác… Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Việc này đã được nhận diện và vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó nêu rõ thực trạng, nguyên nhân và những yêu cầu cụ thể đối với người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Cá nhân tôi cho rằng, việc Thủ tướng ban hành Công điện 280/CĐ-TTg là rất trúng và đúng, sẽ góp phần cải thiện, nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cụ thể hơn nữa tiêu chí đánh giá cán bộ ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên

Đi giám sát ở địa phương mới thấu hiểu

Bà thấy sao về tình trạng địa phương có thể vì sợ sai, sợ trách nhiệm nên hỏi xin ý kiến các cơ quan trung ương quá nhiều, thậm chí còn hỏi về nhiều vấn đề mà nhẽ ra không cần hỏi?

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, khi gặp khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền thì địa phương gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan trung ương là hoàn toàn phù hợp. Khó khăn, vướng mắc đó có thể xuất phát từ việc pháp luật chưa bao quát được vấn đề phát sinh trong thực tiễn, hay nói cách khác là chưa có quy định, hoặc có nhưng chưa cụ thể, rõ ràng, rồi quy định còn mâu thuẫn, không thống nhất về một vấn đề…, do đó địa phương phải tham vấn ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Thời gian vừa qua, tham gia tổ giúp việc của Đoàn giám sát đi khảo sát ở một số địa phương để nắm tình hình về những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tôi càng thấu hiểu nội dung này.

Hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia quá đồ sộ, phức tạp với hàng trăm văn bản, hướng dẫn của trung ương và địa phương. Mỗi chương trình lại có một cơ chế quản lý riêng, do đó để nghiên cứu, triển khai, thực hiện đúng quy định không hề đơn giản. Trong đó có những thông tư, văn bản hướng dẫn còn chưa rõ ràng, thiếu hướng dẫn chi tiết, không đảm bảo cơ sở pháp lý cho công tác triển khai thực hiện; một số quy định chưa phù hợp với pháp luật chuyên ngành, thiếu thống nhất hoặc chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương…

Trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, việc địa phương phát hành văn bản xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan trung ương cũng rất thường xuyên. Trường hợp này không thể hoàn toàn quy vào là biểu hiện “sợ sai” được mà phải nói đến một phần trách nhiệm của một số cơ quan trung ương hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Việc hỏi là biểu hiện của nỗi “sợ sai” chỉ khi vấn đề đã có quy định cụ thể nhưng nghiên cứu chưa thấu đáo, không tự tin nên không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Đây mới là hành vi gây cản trở quá trình phát triển, cần phải chấn chỉnh, xử lý.

Theo bà, giải pháp gì để hoá giải, khắc phục triệt để nỗi sợ trong cán bộ, lãnh đạo, để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng?

Trước tiên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo đầy đủ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý công khai, minh bạch, công bằng trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ hai, sớm ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để phát huy năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo của cán bộ.

Thứ ba, thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm công vụ trong xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ tư, cần nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức trong thời gian tới vì thực tế cho thấy việc đánh giá cán bộ vẫn còn là một trong những khâu yếu trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, nhiều trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất năng lực của cán bộ, công chức.

Thứ năm, tăng cường, duy trì thông tin 2 chiều để người dân, cộng đồng doanh nghiệp có thể phản ánh về chất lượng dịch vụ công và thực thi công vụ của cán bộ, công chức và tốt nhất là thực hiện việc đánh giá, phản ánh này qua kênh điện tử, số hóa, qua trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, email và tin nhắn qua điện thoại.

Cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG