Cư Jút và tham vọng xứng tầm cực tăng trưởng phía bắc tỉnh Đắk Nông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, huyện Cư Jút được quy hoạch vào vùng động lực tăng trưởng phía Bắc tỉnh Đắk Nông, kết nối TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu xứng tầm cực tăng trưởng phía bắc của tỉnh.
Cư Jút và tham vọng xứng tầm cực tăng trưởng phía bắc tỉnh Đắk Nông ảnh 1
Huyện Cư Jút còn nhiều tiềm năng cần nhà đầu tư khai mở

Bước qua cây cầu vắt ngang dòng sông Sêrêpốk là vùng kinh tế khá sầm uất, hiện đại mang tên huyện Cư Jút- thuộc “cửa ngõ” phía bắc của tỉnh Đắk Nông. Đường về Cư Jút thênh thang, phẳng bóng với những hàng cây xanh mát. Hai bên trục đường là những dãy nhà xây hiện đại, sầm uất không khác gì phố thị. Những con đường dọc ngang thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút), cũng được thảm nhựa bằng phẳng, khá thuận lợi cho giao thông đi lại.

Tại Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Đắk Nông, huyện Cư Jút thuộc vùng động lực phía Bắc hình thành từ đô thị hạt nhân Ea T’ling (huyện Cư Jút) và đô thị Đắk Mâm (huyện Krông Nô) tạo thành cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh Đắk Nông kết nối TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Theo đó, định hướng, tầm nhìn của huyện Cư Jút đến năm 2030, trở thành đô thị hiện đại, thông minh, thân thiện, giàu bản sắc, xứng tầm là cực tăng trưởng ở phía bắc của tỉnh Đắk Nông.

Với định hướng quy hoạch trên, Cư Jút như được “chắp thêm đôi cánh” để tạo đà tăng trưởng. Đây cũng là địa phương có sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư chiến lược khi nằm ở vị trí “đắc địa”. Với khu Công nghiệp Tâm Thắng, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm điểm dừng chân để đầu tư sản xuất. Đến nay khu công nghiệp này đã thu hút được 42 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 77,220 %. Phía chính quyền cũng có các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về đầu tư và thuê lại đất.

Cư Jút và tham vọng xứng tầm cực tăng trưởng phía bắc tỉnh Đắk Nông ảnh 2

Hạ tầng xây dựng ở huyện Cư Jút phát triển mạnh

Ngoài ra, huyện Cư Jút còn được thiên nhiên ưu đãi cả cảnh sắc lẫn khí hậu. Cư Jút có dòng sông Sêrêpốk chảy qua, tạo ra nhiều thác ghềnh tuyệt đẹp hùng vĩ (như: Thác Trinh Nữ, Dray H’linh...). Dòng sông chảy ngược này cũng đem lại nguồn lợi thủy sản, trong đó có loài cá đặc sản như cá lăng đuôi đỏ nức tiếng cả nước... Đặc biệt, Cư Jút cũng nằm trong khu vực thuộc Công viên địa chất Đắk Nông; người dân nơi đây vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, trở thành điểm đến mới lạ, hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Huyện Cư Jút vừa đề xuất chương trình xúc tiến đầu tư 4 dự án gồm: Dự án đầu tư Điện mặt trời tại thị trấn Ea T’ling; quy mô công suất 95 MWP, vốn đầu tư dự kiến 1.170 tỷ đồng. Dự án đầu tư Điện mặt trời tại xã Cư Knia; quy mô công suất 180 MWP, vốn đầu tư dự kiến 3.240 tỷ đồng. Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Hồ trúc tại thị trấn Ea T’ling; quy mô diện tích đất 22,52ha, vốn đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng. Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái dọc sông Sêrêpốk tại thị trấn Ea T’ling và xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút; quy mô diện tích đất 419 ha, vốn đầu tư dự kiến trên 800 tỷ đồng. Đây là những dự án phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất do huyện quản lý.

Để thu hút các nhà đầu tư, UBND huyện Cư Jút cho biết, địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, ổn định thị trường. Theo đó, địa phương kịp thời nắm thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp, những khó khăn của doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh bền vững. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, huyện Cư Jút sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển thông qua việc áp dụng đa dạng các hình thức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển kinh tế ở tất cả các ngành, lĩnh vực, ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư.

MỚI - NÓNG