Cổ thụ trăm tuổi bị đốn hạ: Lãnh đạo ngành chức năng TPHCM nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong phương án thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, chủ đầu tư đều phải đề xuất trồng bổ sung, thay thế số lượng bằng hoặc lớn hơn số lượng cây đã bị di dời hoặc đốn hạ.

Sáng 10/12, HĐND TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời với chủ đề “Quản lý và phát triển công viên, cây xanh công cộng”.

Tại chương trình, cử tri Đào Thị Hoa (quận Gò Vấp) cho rằng những năm qua nhiều cây xanh cổ thụ trên 100 tuổi bị chặt hạ để xây dựng hạ tầng giao thông, gây tiếc nuối dù điều này là để góp phần hiện đại hóa thành phố.

“Trước thực tế như vậy, thành phố có đánh giá mức độ an toàn, tuổi thọ của cây cổ thụ trước khi đốn hạ hay không. Vấn đề thay thế, bổ sung, cải tạo có kịp thời không?”, bà Hoa nêu ý kiến.

Trả lời điều này, ông Vũ Văn Điệp – Giám đốc Trung tâm Kỹ Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, cho biết, việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng các công trình giao thông là nhu cầu tất yếu đối với sự phát triển của thành phố.

Theo ông Vũ Văn Điệp, khi có dự án công trình giao thông, các bên liên quan đều nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra các phương án tối ưu nhằm giảm thiểu tối đa đến các công trình hiện hữu, trong đó có cây xanh đô thị, đặc biệt là cổ thụ, cây có kích thước lớn.

Cổ thụ trăm tuổi bị đốn hạ: Lãnh đạo ngành chức năng TPHCM nói gì? ảnh 1

Ông Vũ Văn Điệp trao đổi tại chương trình. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho rằng, với hiện trạng nội đô thành phố như hiện nay, việc lựa chọn các phương án xây dựng công trình nhằm tránh tác động hoặc giữ lại các cây xanh hầu như không khả thi vì không có các phương án tối ưu hơn.

“Các dự án đầu tư xây dựng cần đốn hạ, di dời cây xanh đều phải thực hiện theo một quy trình rất nghiêm ngặt, thông qua các cơ quan chuyên môn được UBND TPHCM chấp thuận. Bên cạnh đó, các cây xanh được đề xuất xử lý đều được đánh giá một cách kỹ lưỡng về sức sống, tình trạng cây để đưa ra phương án tối ưu nhất cho quyết định đốn hạ hay di dời”, ông Điệp cho hay.

Ông Điệp cho biết thêm, trong phương án thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, chủ đầu tư đều phải đề xuất trồng bổ sung, thay thế số lượng bằng hoặc lớn hơn số lượng cây đã bị di dời hoặc đốn hạ.

“Việc di dời, đốn hạ bất kỳ cây xanh nào trong đô thị đều là điều đáng tiếc nhưng do điều kiện bất khả kháng, không còn giải pháp tốt hơn nên rất mong bà con chia sẻ, ủng hộ các đơn vị chức năng khi thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là hoạt động trồng, thay thế cây xanh trên các tuyến đường hiện hữu”, đại diện Sở Xây dựng nói.

Tại chương trình, trao đổi ý kiến của cử tri về những bất cập trong khai thác, kinh doanh trong công viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Đặng Phú Thành cho biết Nhà nước không cấm hoạt động kinh doanh trong các công viên công cộng.

Tuy nhiên, công viên là đất do Nhà nước quản lý, do đó việc kinh doanh và khai thác công viên cũng phải phù hợp với quy định về tài sản công, phù hợp với quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng của công viên.

Đối với hoạt động này thời gian qua, ông Thành cho biết sở đã phối hợp các ngành liên quan rà soát và tham mưu UBND thành phố để chỉ đạo các chủ sở hữu, các chủ quản lý sử dụng công viên thực hiện kế hoạch, đề án khai thác kinh doanh, quản lý công viên theo đúng quy định của Luật Tài sản công trên địa bàn.

Cổ thụ trăm tuổi bị đốn hạ: Lãnh đạo ngành chức năng TPHCM nói gì? ảnh 2

Người dân sinh hoạt, vui chơi tại công viên Tao Đàn. Ảnh: Ngô Tùng

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM thông tin, theo quy định, các hành vi xâm hại, phá hoại cây xanh trước mặt tiền nhà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng theo Nghị định 16 của Chính phủ. Đối với hành vi đầu độc, xâm hại cây xanh thì mức phạt áp dụng là từ 20 - 30 triệu đồng, còn hành vi chặt hạ, đào gốc cây xanh bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng.

MỚI - NÓNG