Cô gái bị ép phá thai vì bạn trai không trả nổi tiền thách cưới

Cô dâu Trung Quốc ngày một tăng giá theo sự phát triển kinh tế và mất cân bằng giới tính. Ảnh minh họa: Weibo
Cô dâu Trung Quốc ngày một tăng giá theo sự phát triển kinh tế và mất cân bằng giới tính. Ảnh minh họa: Weibo
Chia sẻ của một chàng trai ở Chu Hải, Quảng Đông về chuyện bạn gái bị bố đẻ ép phá thai vì anh này không trả nổi 30.000 USD tiền thách cưới đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc.

Theo What's on weibo, chàng trai có biệt danh "Con gián không phải là con gián" (con gián là tiếng lóng, dùng để chỉ những người thấp kém, hay bị coi thường trong xã hội Trung Quốc) chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội Weibo hồi giữa tháng 2.

Anh này cho biết rất hạnh phúc khi biết tin người yêu có thai vào tháng 12 năm ngoái. Đôi trẻ thưa chuyện với cha mẹ và dự định kết hôn ngay lập tức.

Tuy nhiên, bố cô gái ra giá 200.000 tệ (30.680 USD) tiền thách cưới. Thách cưới là phong tục từ thời nhà Chu ở Trung Quốc (1046-256 TCN), là cái giá nhà trai phải trả cho nhà gái để đưa cô dâu về nhà, thường quy ra tiền, hoặc lễ vật. Ngày nay, số tiền đó thường được dùng như của hồi môn cho đôi vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc sống mới.

Chàng trai người Chu Hải trên không đủ tiền, đã đề nghị trả trước 7.600 USD cho ông bố, sau đó trả góp trong hai năm, nhưng bị từ chối. Anh này tiếp tục đề nghị trả trước 18.400 USD, nhưng ông bố vẫn không đồng ý. Ngày hôm sau, bạn gái bị bố ép đưa tới bệnh viện phá thai. 

"Con gián không phải là con gián" tự hỏi, vấn đề của ông bố là tiền "thách cưới", hay thật sự muốn bán luôn con đẻ. Câu chuyện này gây xôn xao cả thành phố Chu Hải, cũng như những người sử dụng mạng xã hội Weibo.

"Ai chẳng muốn bế cháu, ông bố chắc hẳn có lý do nào đó", một người dân thành phố lên tiếng bênh vực. "Vấn đề không phải là 200.000 tệ, vấn đề là ông bố nhìn xa trông rộng, biết được anh chàng này sẽ không đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con gái".

"Tôi kể chuyện này với vài người bạn ở Giang Tây, họ nói rằng tiền thách cưới ở đó giờ cao lắm. Một anh kể bạn mình đã trả 86.000 USD tiền thách cưới. Tuy nhiên, sau lễ cưới, cô dâu mang hết tiền về nhà chồng. Số tiền thách cưới chỉ là khoản bảo đảm cho con gái nhà họ được đối xử tử tế khi về làm dâu", một người khác nói.

Nhiều người lại cho rằng đôi trẻ thật ngu ngốc khi có bầu trước cưới.

"Tôi cho rằng cậu ta thật vô trách nhiệm, còn cô gái kia thật là ngu ngốc. Tất nhiên là ông bố không nên ép con gái phá thai, mà nên để chúng lấy nhau. Nếu chúng lấy nhau, chúng phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, không được gây phiền hà cho người khác", một người dùng mạng xã hội Weibo mỉa mai.

Một phóng viên Dương Thành vãn báo đã làm bài phóng sự về chuyện này. Theo khảo sát, giá "thách cưới" bình quân ở thành phố Chu Hải dao động từ 4.600 - 9.200 USD, tuy nhiên, nhiều người dân địa phương cho rằng, để gả con gái, tiền bạc không phải thứ quan trọng nhất, mà là hoàn cảnh gia đình và nhân phẩm của con rể tương lai.

Cô gái bị ép phá thai vì bạn trai không trả nổi tiền thách cưới ảnh 1

Một đám cưới gây xôn xao ở Trung Quốc hồi tháng 1 vì cô dâu đeo vàng nặng trĩu cổ. Ảnh: Sina.

Cô dâu "tăng giá"

Theo BBC, Manya Koetse, chuyên gia về Trung Quốc kiêm biên tập viên What's on Weibo cho biết, cô dâu ngày một "tăng giá" ở đất nước này, theo sự phát triển kinh tế.

"Vào những năm 50, 60, 70, tiền thách cưới chỉ là một cái ấm đun nước hoặc một bộ ga trải giường", bà nói. "Sau đó lễ vật tăng dần lên là đồ nội thất, máy nghe đài, hoặc đồng hồ. Đến thập niên 80, đó có thể là một chiếc tivi hay tủ lạnh. Thế rồi Trung Quốc mở cửa, phát triển kinh tế thị trường, và 'cái giá mua dâu' thay đổi, chuyển thành tiền mặt".

Tuy nhiên, kinh tế phát triển chỉ là một lý do "cô dâu tăng giá". Sự mất cân bằng giới tính do chính sách một con mới là nguyên nhân chính. Quan niệm truyền thống "trọng nam khinh nữ" vì cho rằng đàn ông là lao động chính, là người chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già khiến tỷ lệ phá thai nếu thai nhi mang giới tính nữ ở Trung Quốc tăng vọt.

Theo báo cáo mới nhất của các nhà nghiên cứu đại học Havard, Mỹ, tỷ lệ nam nữ ở Trung Quốc hiện là 118/100, "thừa" khoảng 40 triệu đàn ông. Đó là lý do ở một số khu vực, "giá cô dâu" tăng vọt, và những nam giới khó lấy vợ nhất là người nông thôn.

"Họ được gọi là 'cây không cành'", Koetse nói. "Đó là những người đàn ông nghèo khổ, không học hành đầy đủ, không có vợ hoặc con, giống như cái cây không cành lá. Có hàng triệu người như thế ở Trung Quốc".

"Họ thực sự gặp khó khăn", Koetse nhận xét. "Phụ nữ bỏ làng lên thành phố lớn tìm đàn ông, những người cho họ cuộc sống đầy đủ hơn trai làng. Số ít phụ nữ ở lại, nhưng có đến 20 người trong làng muốn lấy cô, thế nên nhà gái đòi hỏi tiền thách cưới cao".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG