Chuyện về hai chữ Hoàn Kiếm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều ngày nay dư luận Hà Nội ồn ào về việc trong 2 năm tới, quận Hoàn Kiếm sẽ phải sáp nhập vào một quận nào đó ở nội đô. Lý do là Hoàn Kiếm chỉ đáp ứng được 15% diện tích theo qui định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng hai chữ Hoàn Kiếm xuất hiện khi nào?

Chuyện Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Qui sau khi đánh thắng giặc Minh chỉ là truyền thuyết. Có lẽ nó bắt đầu từ sách “Lam Kinh thực lục” do Lê Lợi viết hoặc ông sai ai đó chấp bút năm 1431. Nhưng câu chuyện ban đầu đơn giản chỉ là Lê Lợi nhận được gươm thần cùng với quả ấn trời cho ở Lam Sơn. Không có một dòng nào liên quan đến hồ Lục Thủy ở Thăng Long.

Hơn 400 năm sau, tức là cuối thế kỷ 18, một nhà Nho đã tạo tác thành câu chuyện Lê Thái Tổ trả gươm ở phần phía Bắc của hồ Lục Thủy gọi là hồ Tả Vọng nên hồ này bắt đầu mang tên hồ Trả Gươm. Xưa, một cuốn sách ra đời theo kiểu tác giả đọc cho bạn bè nghe, ai thích thì mượn chép lại. Người khác đọc bản chép lại nếu họ thích thì lại mượn về chép tay và trong quá trình chép họ sẽ sửa chữa, thêm bớt cho hợp lý. Và người này kể cho người kia, câu chuyện lan ra trong dân chúng. Cốt truyện Lê Thái Tổ trả gươm cơ bản không thay đổi nhưng chi tiết có thể khác. Việc tạo tác một truyền thuyết để rút ra bài học không phải là mới mẻ vì trước đó Việt Nam có rất nhiều truyền thuyết tạo nên từ tâm thức dân gian.

Cái tên Hồ Hoàn Kiếm chỉ lưu truyền trong dân gian song chính thức được ghi trong “Đại Nam nhất thống chí”, bộ chính sử của triều Nguyễn. Bộ sử này gồm rất nhiều tập nên tập có chuyện Lê Thái Tổ trả gươm hoàn thành vào giữa thế kỷ 19. Sách ghi như sau: “Hồ Hoàn Kiếm ở ngoài Đông Nam thành tỉnh Hà Nội. Tương truyền: Lê Thái Tổ đi thuyền chơi hồ, có con rùa nổi lên, nhà vua cầm kiếm chỉ vào rùa. Rùa liền ngậm kiếm lặn xuống. Lại có thuyết nói: trước kia, Vua Thái Tổ bắt được kiếm thần và ấn thần, bèn dấy binh đánh giặc Minh, sau truyền làm bảo vật. Đến năm Lê Thánh Tông băng hà, kiếm thần và ấn đều mất, sau người ta thấy đầu thanh kiếm nổi ở trong hồ, chốc lát lại biến mất, nên nhân dân đặt tên hồ”. Bài học bao trùm từ truyền thuyết này là chữ Tín, vay mượn thì phải trả.

Trong bản đồ Hà Nội năm 1873 do Phạm Đình Bách vẽ ghi chú dân gian gọi là Hồ Hồ Kiếm. Tuy nhiên, các bản đồ Hà Nội do người Pháp vẽ từ năm 1883 cho đến thập niên 30 đều ghi Hồ Hoàn Kiếm là Hồ Nhỏ. Thế nhưng nhiều người cho rằng, Lê Thái Tổ mượn gươm thì phải trả trong khi Hoàn là chữ Hán với nghĩa hoàn lại, hoàn trả có vẻ không mang ơn nên gọi là Hồ Trả Gươm, gọi tắt là Hồ Gươm. Với người Hà Nội, ít người nói là Hồ Hoàn Kiếm mà thường nói Hồ Gươm. Trong sách của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử như: Vũ Tuấn Sán, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Vinh Phúc… đều dùng từ Hồ Gươm.

Chuyện về hai chữ Hoàn Kiếm ảnh 1

Một góc hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 17/7/1914, chính quyền Pháp chia thành phố Hà Nội thành 8 khu phố, và họ đánh số từ 1 đến 8 nên không khu phố nào mang tên Hoàn Kiếm. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, chính quyền Việt Minh đã chia lại địa giới hành chính khu vực nội đô, gọi là quận và đánh số. Tuy nhiên, địa giới hành chính này chỉ để phục vụ cho hoạt động kháng chiến. Cũng trong 9 năm kháng chiến, Ban Tuyên-Nghiên-Huấn của Ty Công an Hà Nội đã xuất bản tờ báo bí mật lấy tên là “Công an Hồ Gươm”. Sau ngày tiếp quản Hà Nội 10/10/1954, các đơn vị hành chính Hà Nội có thay đổi. Năm 1958, khu vực nội thành được chia thành 12 khu phố trong đó có khu phố Hoàn Kiếm. Tháng 5/1959, số khu phố được rút gọn thành 8, cái tên Hoàn Kiếm vẫn giữ nguyên. Năm 1961, Quốc hội thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính sáp nhập nhiều huyện xã của tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Đông… vào Hà Nội. Nội thành có 4 khu phố (nay là quận) gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, ngoại thành có 4 huyện: Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm.

Việc đổi tên, sáp nhập thôn, phường, xã, tỉnh thậm chí cả đổi cả tên nước đã xảy ra trong lịch sử. Từng có việc cưỡng bức, áp đặt đổi tên ví dụ như giặc Minh đã đổi kinh đô Thăng Long thành Đông Quan. Thời nhà Nguyễn, từ triều vua Gia Long đến Thành Thái, Hà Nội có 73 phường, thôn, trại phải đổi tên vì húy vua, húy người trong hoàng tộc, đổi tên vì thay đổi địa giới hành chính, vì tu từ. Mọi thay đổi tên hay sáp nhập địa danh đều có mục đích nhưng phải vì cái chung mới hợp lòng dân.

Nếu chỉ vì không đủ diện tích như qui định mà phải sáp nhập và có thể phải đổi tên, thiết nghĩ phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Nếu xứng đáng thì đưa địa danh đó vào trường hợp đặc biệt để thực hiện theo diện đặc biệt. Còn nếu dứt khoát, luật là bất di bất dịch cũng nên lấy ý kiến rộng rãi vì nhân dân cũng là chủ sở hữu của danh xưng một vùng đất.

MỚI - NÓNG