Tại hội trường thôn Ka Cú 2, tôi ngạc nhiên khi thấy những người ngồi ở ghế chủ tọa của một vụ hòa giải là 3 cô gái xinh xắn. Chị Hồ Thị Liên, sinh năm 1992, Trưởng ban Công tác mặt trận. Dù là ở tuổi 30, đã có 2 mặt con, nhưng cô gái người dân tộc Pa Cô này vẫn có nụ cười khá tươi tắn của một thôn nữ vùng cao. Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng, trưởng thôn Ka Cú 2 thì có đường nét sắc sảo của một người con gái vùng cao làm cho buổi hòa giải đang “nóng” cũng có phần nguội đi.
Những cán bộ xinh đẹp của thôn Ka Cú 2. Ảnh: Văn Chương |
Tại xã Hồng Vân, khi cuộc sống đã thay đổi thì công tác cán bộ ở địa phương này cũng dần trẻ hóa, người trẻ làm những việc mà xưa nay vốn là của người già. Việc trẻ hóa cán bộ cũng bắt nguồn từ Chủ tịch UBND xã Hồng Vân là anh Hồ Mạnh Giang, sinh năm 1979.
Anh Giang nguyên là Phó phòng Nội Vụ huyện A Lưới, có bằng thạc sĩ hành chính công. Năm 2010 ở tuổi 31, anh quyết định sử dụng thành quả của mấy năm theo học tiếng Anh trong thời gian công tác tại Ban Dân tộc tỉnh, đó là đăng ký thi lấy học bổng của Quỹ Ford. Người cán bộ trẻ đã lập kỳ tích - vượt qua các kỳ phỏng vấn toàn quốc, vượt qua kỳ thi tiếng Anh và lọt vào tốp 20 cán bộ được sang học tại bang Hawaii của Mỹ hai năm 2010-2012.
Cầm tấm bằng thạc sĩ danh giá, nhưng anh Giang phải cọ xát thực tế - giữ chức Chủ tịch UBND xã Hồng Vân từ năm 2020. Trả lời câu hỏi của phóng viên, anh chia sẻ, “những kiến thức học ở Hawaii cũng khó áp dụng vào địa bàn miền núi, tuy nhiên mình vận dụng được ở phương pháp tư duy, sử dụng nguồn nhân lực trẻ”.
Trở lại vụ giải quyết tranh chấp do những cán bộ trẻ ở thôn Ka Cú 2 chủ trì mà tôi được chứng kiến. Nguyên cớ vụ việc là ông Hồ Văn Tê có rẫy nằm sát với ông Trần Văn Hiếu. Phía ông Tê trồng một bụi tre và theo năm tháng, bụi tre phình to ra, ăn qua đất của người hàng xóm. Ông Tê là người không có trình độ, nên cứ nói càn là “tre đâu thì đất ở đó”.
Để hai bên hòa giải, hai chị em Hồng Phượng và Hồ Thị Liên đã nhờ địa chính mang thiết bị GPS ra đo thực tế giữa buổi trưa nắng gắt. Cuối cùng ông Tê chấp nhận chia đôi bụi tre vì thiết bị điện tử đã ấn định đúng diện tích. Khi được chị em phân tích bằng giọng nhỏ nhẹ, ông Tê còn nhiệt tình tặng hết nửa bụi tre cho ông Hiếu, nhưng do ông Hiếu không nhận, nên ông Tê hứa đốn hết tre rồi còn đào gốc, đào hào để rễ tre bên này không ảnh hưởng tới việc canh tác hoa màu của hộ bên cạnh.
Chủ tịch xã Hồng Vân Hồ Mạnh Giang cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm kế hoạch xây dựng hợp tác xã, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm keo bị chậm lại. Thu nhập chính của người dân địa phương là hơn 1.000 ha trồng keo lai, nhưng do bà con không phải ai cũng am hiểu công nghệ thông tin để có cách tiếp cận thị trường tốt hơn, mà cứ gặp đâu thì bán sản phẩm ở đó, chủ hàng cứ “cáp rẫy này 50 triệu, rẫy này 70 triệu được không?”, nên thường thua thiệt.
Để khắc phục, anh Giang đã lập ra khung hợp tác xã, hiện nay đã có 40 thành viên tham gia.