“Chúa chanh” Tiên Lục

Anh Tập bên những cây chanh đào lúc lỉu quả
Anh Tập bên những cây chanh đào lúc lỉu quả
TP - Về đến xã Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang), hỏi trang trại chanh đào lớn nhất, không ai không biết đến tiếng tăm của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Tập ở thôn Bãi Cả. 

Hướng đi riêng

Đập vào mắt khách đến thăm gia đình anh Tập là những cây chanh lúc lỉu. Những trái chanh to bằng nắm tay nằm trĩu trên cành lá xanh mướt. Có những chùm chanh đến hai chục trái ken tròn bên nhau, chủ nhà phải lấy cây chống, dây buộc tránh cho cành khỏi bị gãy. 

Vườn chanh nhà anh Tập có hai loại: Một loại cây to khỏe, cành lớn, lá dầy, có cây tán rộng đến hàng chục mét, có thể trải chiếu ngồi dưới được. Loại thứ hai là chanh tán thấp, lúp xúp như những mâm xôi được anh trồng trên ngọn đồi cạnh nhà. Những cây chanh này tán là là mặt đất, trái sai không kém, nhiều trái mọc ngay dưới gốc cây, có những trái lại nằm tràn trên mặt đất.

Anh Thân Văn Phương, Phó Đài truyền thanh huyện Lạng Giang cho biết, đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao, đang là một hướng phát triển kinh tế nhiều triển vọng ở địa phương. 

Kể về cái duyên với cây chanh, anh Tập cười hiền lành: “Cũng là do cái khó ló cái khôn”. Cách đây hơn chục năm, khi người dân ở đây thi nhau trồng vải thiều, nhà anh cũng lao vào trồng vải. Được một hai năm, vải thiều trầy trật với bài toán “được mùa rớt giá”.

Hơn nữa, Lạng Giang không phải vùng đất có thổ nhưỡng, khí hậu như Lục Ngạn để cho trái ngon. Có những mùa thu hoạch vải thiều, tính đi tính lại chỉ đủ tiền… thuê người hái.

Một lần, anh đi chợ thấy bán loại chanh đào được đưa từ Đà Lạt ra với giá cao hơn chanh bình thường hơn 10 nghìn đồng/kg. Nghe bảo ở huyện Tân Yên gần đó có giống chanh này, anh về tận nơi và thực sự ấn tượng bởi đây là loại chanh quả to, không chỉ cho nước nhiều mà còn công dụng ngâm mật ong chữa viêm họng rất tốt. Ban đầu, anh chỉ đủ tiền mua được 100 cây về trồng.

Trồng được cây rồi lại gặp khó vì sâu bệnh. Có những con côn trùng hại cây nhưng anh không thể biết nó là con gì, cách chữa trị ra sao, mua thuốc bảo vệ thực vật ở đâu. Chính vì thế, các năm đầu vườn chanh nhà anh bị sâu bệnh hoành hành, nguồn thu chẳng được bao nhiêu. 

Thành công nhờ đọc báo khuyến nông

Trong khó khăn, anh Tập phải tự mày mò tìm đọc các tài liệu về cây chanh, những loại sâu bệnh chủ yếu, rồi đến tận các viện nghiên cứu cây trồng trong và ngoài tỉnh, đem cả mẫu sâu bệnh đến để nhờ các chuyên gia tìm lời giải.

“Lúc đó mình rất cần những loại sách, báo về khuyến nông. Cứ thấy là đọc ngấu nghiến để mong tìm ra cách chữa trị tốt nhất cho cây chanh. Rồi phải thử áp dụng nhiều loại thuốc sau đó mới tìm ra phương án tối ưu nhất. Đến bây giờ có thể đọc vanh vách các loại sâu bệnh, cách phòng trừ như thế nào…”, anh Tập nói. 

Bỏ qua những lý thuyết về trồng chanh của các cụ như “mít đốn cành, chanh đốn rễ” anh tự lập ra phương pháp chăm sóc với nguyên lý làm sao cho cây chanh khỏe nhất. “Khi ra hoa, đậu quả thì rất sai nhưng đến lúc rụng sinh lý quả lại bị trút đi rất nhiều, vậy nên tốt hơn hết vẫn là chăm sóc cây chanh bằng tỉa cành, bón phân, bảo vệ đúng cách cho cây khỏe mới ra được nhiều quả”, anh Tập chia sẻ kinh nghiệm. 

Vượt qua những giai đoạn khó khăn, đến nay vườn chanh đã mang lại những hiệu quả kinh tế mà chính vợ chồng anh Tập cũng bất ngờ. Đáng mừng nữa là không phải lo tìm thị trường bởi quả chanh được thương lái đến tận nơi thu mua giá khoảng 27-30 nghìn đồng/kg. 

Theo tính toán, với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm thì nguồn thu từ giống cây trồng này của gia đình anh Tập đạt 200-300 triệu đồng. Ngoài ra, khi đã thu hoạch xong mùa chanh thì vẫn có thể có các nguồn thu khác từ cây chanh.

Đó là lá chanh được nhiều khách hàng từ Hà Nội về đặt. Mỗi năm, riêng tiền thu từ bán lá chanh của anh chị cũng được vài ba chục triệu đồng. Thêm vào đó, anh còn chiết chanh để bán, mỗi cây được 20-30 nghìn đồng, tính ra mỗi năm được gần 30 triệu đồng. 

 Thấy hiệu quả kinh tế lớn từ mô hình của gia đình anh Tập, các hộ gia đình ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang cũng đang nhân rộng vườn chanh đào. Có thể nói, một cơ hội mới, một hướng làm ăn mới từ những gốc chanh đào đang mở ra cho những hộ dân nơi đây!

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.