Chơi vơi mùa nước nổi - Kỳ cuối: Những cách làm mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng kiệt quệ, thời gian gần đây, nhiều nơi ở ĐBSCL đã xuất hiện các mô hình tận dụng mùa lũ làm du lịch. Đây là nét đặc trưng “có một không hai” của mùa nước nổi, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

“Khoảng một tháng nay, chúng tôi đón nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch mùa nước nổi. Tuy mới đưa vào khai thác nhưng bước đầu nhận được phản hồi tích cực của du khách”, anh Nguyễn Minh Tuấn (30 tuổi), Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất sinh thái Quyết Tiến ở ấp Long An A, xã Phú Thành A (Tam Nông, Đồng Tháp) chia sẻ với phóng viên.

Anh Tuấn cho biết, ý tưởng làm du lịch mùa nước nổi đã có từ lâu. Năm rồi gia đình anh triển khai mô hình trữ cá đồng bằng cách đăng lưới bao quanh 8ha ruộng của nhà, dẫn dụ cá tự nhiên vào ruộng rồi đợi đến nước vực (nước cạn) thì thu hoạch. Từ ý tưởng đó, anh bàn với các thành viên (5 người) trong tổ hợp tác tận dụng mùa nước nổi để làm du lịch. Từ 8 ha ruộng của nhà anh Tuấn cộng với 8 ha ruộng của các thành viên trong tổ hợp tác, hiện đã có 16 ha để trữ cá tự nhiên phục vụ du lịch.

Chơi vơi mùa nước nổi - Kỳ cuối: Những cách làm mới ảnh 1

Người dân giăng lưới trên cánh đồng lũ huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp

Ảnh: HÒA HỘI

Đầu tháng 8/2023, anh Tuấn cùng các thành viên trong nhóm bắt tay vào làm “hạ tầng” phục vụ du lịch. Nhóm tận dụng các vật dụng cây nhà lá vườn, đốn tre, mua lá về cất chòi để làm chỗ cho khách nghỉ ngơi, ăn uống. “Chúng tôi được lãnh đạo huyện, tỉnh quan tâm, kể cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thường gọi điện động viên”, anh Tuấn nói.

Chia sẻ thêm về ý tưởng tận dụng mùa lũ làm du lịch, theo anh Tuấn, những ngày từ đầu tháng 7 âm lịch mùa nước nổi từ thượng nguồn đổ về, tràn vào đồng ruộng đem theo tôm, cua, cá và các loại thủy sản. Đây cũng là lúc người dân vùng đầu nguồn khai thác “lộc trời cho” trên cánh đồng. “Hình ảnh người nông dân mưu sinh giữa cánh đồng quê ngập nước đã trở thành nét đẹp đặc trưng gắn liền với mùa lũ của miền Tây Nam bộ”, anh Tuấn giới thiệu và cho biết, tại điểm du lịch trên đồng lũ, du khách được các thành viên trong tổ hợp tác hướng dẫn trải nghiệm bắt cá mùa nước nổi như: quăng chài, câu cá, thả lưới, đổ dớn, dở chà, đặt lợp, xúc lươn, bắt cua, bắt ốc. Du khách cũng được trải nghiệm chèo xuồng hái bông điên điển hay đi xuồng ba lá lướt trên những cánh bèo, hái bông súng, rau muống đồng. Mỗi gói trải nghiệm của du khách có giá 250.000 - 400.000 đồng, góp phần rất lớn tăng thu nhập cho người dân làm du lịch vùng lũ.

Tái tạo nguồn cá tự nhiên

Từ đầu tháng 8/2023, Phòng NN&PTNT huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện cùng UBND xã Phú Lợi triển khai thực hiện mô hình “Trữ cá tự nhiên trong cộng đồng” tại ấp 3, ấp 4, diện tích khoảng 663 ha với 524 hộ tham gia. Ông Trần Văn Phước ở ấp 4, xã Phú Lợi có 8 ha đất trồng lúa vừa đăng ký tham gia mô hình trữ cá mùa lũ. Ông Phước bảo, cái lợi trước mắt của mô hình này là hạn chế tối đa tình trạng đánh bắt trái phép, nhất là rà điện và đánh bắt cá con mới vào đồng.

Chơi vơi mùa nước nổi - Kỳ cuối: Những cách làm mới ảnh 2

Khách du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Tổ hợp tác sản xuất sinh thái Quyết Tiến ở ấp Long An A, xã Phú Thành A (Tam Nông, Đồng Tháp) Ảnh: PV

Theo ông Phước, mùa lũ năm tới, sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, cần phải cấm đánh bắt với mọi hình thức để trữ cá lại. Đến thời điểm thích hợp sẽ cho khai thác với kích thước mắt lưới phù hợp, đảm bảo không tận diệt cá con để vừa phát huy hiệu quả bảo tồn nguồn lợi thủy sản, vừa mang lại thu nhập cho bà con nông dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Cọp, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lợi cho biết, từ 2 năm trước, địa phương đã triển khai thí điểm mô hình trữ cá mùa nước nổi nhưng quy mô ít, chỉ 1, 2 hộ làm. Năm 2023, với sự đồng thuận lớn của người dân, xã triển khai nguyên ô đê bao rộng 663 ha. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một vài hộ không đồng ý. Những hộ này cho rằng, họ chủ yếu sống bằng nghề câu, lưới, nếu cấm đánh bắt sẽ khó sống. “Sau khi chúng tôi vận động, tuyên truyền lợi ích trước mắt và lâu dài, họ cũng đồng tình, ủng hộ”, ông Cọp nói. Hiện tại theo ông Cọp, địa phương thành lập 6 tổ tuần tra về đánh bắt hủy diệt, nghiêm cấm dùng xung điện khai thác cá trên đồng. “Với các mô hình này, trước mắt sẽ hạn chế tối đa tình trạng đánh bắt trái phép, nhất là dùng thiết bị điện; đồng thời sẽ góp phần bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên”, ông Cọp cho hay.

Tại mô hình trữ cá mùa lũ ở xã Phú Lợi, từ cuối tháng 9, chính quyền cho người dân trong vùng dự án khai thác cá linh đến 15/10, với điều kiện giăng mắt lưới 2cm trở lên, đặt dớn với kích thước mắt lưới 2cm. Kết quả, các hộ dân thu được gần 10 tấn cá các loại (trong 2 tuần khai thác), chủ yếu là cá linh và cá rô đồng. Các hộ dân muốn khai thác cá phải đến UBND xã đăng ký, đồng thời báo cáo sản lượng khai thác cho trưởng ấp nơi mình sinh sống. Đặc biệt, chính quyền nghiêm cấm việc khai thác bằng xung điện.

Tại mô hình trữ cá mùa lũ ở xã Phú Lợi, từ cuối tháng 9, chính quyền cho người dân trong vùng dự án khai thác cá linh đến 15/10, với điều kiện giăng mắt lưới 2cm trở lên, đặt dớn với kích thước mắt lưới 2cm. Kết quả, các hộ dân thu được gần 10 tấn cá các loại (trong 2 tuần khai thác), chủ yếu là cá linh và cá rô đồng với giá bán từ 20.000 đồng - 35.000 đồng/kg tùy loại. Đáng chú ý, các hộ dân muốn khai thác cá phải đến UBND xã đăng ký, đồng thời báo cáo sản lượng khai thác cho trưởng ấp nơi mình sinh sống. Đặc biệt, chính quyền nghiêm cấm tuyệt đối việc khai thác bằng xung điện. Từ 15/10 trở đi, chính quyền cho phép đặt hom thu tỉa cá tại các cống lớn, cho dân đánh bắt cá; cho phép đăng lưới tại các ao ngập lũ không có nuôi thủy sản, đặt hom cho cá vào ao. Sau khi nước cạn sẽ tiến hành bơm nước thu hoạch đồng loạt. Ông Nguyễn Văn Kẹm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Bình đánh giá, bước đầu việc trữ cá cho thấy hiệu quả rất tốt trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầu vụ. Người nông dân đã hạn chế, không khai thác cá bằng các biện pháp hủy diệt.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Thọ Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, ngoài mô hình làm du lịch mùa nước nổi, mô hình sinh kế mùa lũ, ngành thủy sản còn tuyên truyền về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến ngư dân thông qua truyền thông, mở các lớp tập huấn. Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh còn phối hợp với lực lượng công an các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các tuyến sông, xử lý nghiêm các vụ vi phạm trong khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm, nhất là xung điện; tuyên truyền các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng đánh bắt trái phép, ngành còn cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh kịp thời các hành vi khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm đến cơ quan chức năng, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.