Chợ phục vụ mua bán hàng hóa cho người dân trên núi. Vị trí khu chợ có phong cảnh hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh của núi Cấm như chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Tiên, tượng Phật Di Lạc cao nhất Đông Nam Á.
Đi chợ núi Cấm là một thú vui du lịch bổ ích. Đặc biệt, bên cạnh chợ đòn gánh có vài quán ăn, thu hút nhất là quán bánh xèo với rau rừng thơm ngon độc đáo của vùng núi Cấm. Ngoài ra, cái hồn của chợ làm cho ngôi chợ đòn gánh có bản sắc riêng không thể lẫn vào đâu được.
Người dân Khmer chủ yếu họp thành chợ phục vụ lương thực cho người dân trên núi. Tờ mờ sáng, từ các nẻo quanh chân núi, bà con Khmer gánh những gánh hàng nặng trĩu lên núi bán. Đây là ngôi chợ đặc biệt, gắn liền với các biểu tượng văn hóa, gắn với nhu cầu tâm linh của du khách cũng như yêu cầu vật chất của bà con.
Chợ đông từ 6 giờ đến khoảng 11 giờ sáng. Hàng hóa đựng trong thúng bằng tre hoặc thau nhôm gánh bằng hai chiếc gióng. Họ ngồi đối diện nhau, ở giữa là lối đi nhỏ để khách qua lại mua hàng, đòn gánh được gom lại một nơi. Chúng tôi thử đếm có chừng 60 đòn gánh làm nên cái chợ.
Chợ đòn gánh của người Khmer trên đỉnh núi Cấm (An Giang) |
Gọi là chợ nhưng vốn của mỗi gánh hàng chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng. Bà con bán hàng có những thỏa thuận bất thành văn, không cố định chỗ ngồi, ai đến trước ngồi bán trước, ai đến sau ngồi bán sau, không ai giành của ai. Ai bán hết hàng về trước, đến 11 giờ thì tan chợ.
Đến với chợ này, ta bắt gặp cái hồn quê lai láng, những gì quê kiểng đều có mặt trong ngày họp chợ, từ chiếc áo vải thô, chiếc quần bạc màu đến củ khoai, củ sắn, mụt măng, cá khô, rau rừng, trái cà, trái ớt…
Khoai, sắn, mụt măng có giá không đến 5.000 đồng/ký, còn rau rừng chỉ được 10.000 đồng/ký.
Chợ núi Cấm là bức tranh thu nhỏ về chợ quê, về nét đẹp bản sắc văn hóa của con người bán sơn địa. Bạn hàng bán ở chợ không những để trao đổi với nhau những hàng hóa rau quả trồng được trong rẫy mà còn là nơi tâm sự, giao lưu, chia sẻ.