Chi tiết 22 biệt thự cũ trên địa bàn TPHCM vừa được phân loại

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND TPHCM vừa ban hành quyết định danh mục biệt thự cũ trên địa bàn thành phố đã được phân loại (đợt 11), bao gồm các biệt thự cũ thuộc Nhóm 2 và Nhóm 3.

Theo đó, trong đợt phân loại lần này, không có biệt thự cũ thuộc Nhóm 1 (phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao).

Bên cạnh đó, có 7 biệt thự cũ thuộc Nhóm 2 gồm: Biệt thự số 41 Phùng Khắc Khoan (phường Đa Kao, quận 1), 10-10B Sương Nguyệt Ánh (phường Bến Thành, quận 1), 40 Võ Văn Tần, 214 Võ Thị Sáu và 216B Điện Biên Phủ (phường Võ Thị Sáu, quận 3), 763 Hồng Bàng (phường 6, quận 6) và 2 Phan Thúc Duyện (phường 4, quận Tân Bình).

15 biệt thự cũ thuộc Nhóm 3 gồm: số 26 Huỳnh Khương Ninh, 34 Mạc Đĩnh Chi, 11B Trần Cao Vân, 9B Phùng Khắc Khoan (phường Đa Kao, quận 1), 96 Thạch Thị Thanh, 31/1A Trần Khánh Dư (phường Tân Định, quận 1); 8 Phạm Ngọc Thạch, 89A Nguyễn Đình Chiểu, 89B Nguyễn Đình Chiểu, 120 Trần Quốc Toản (phường Võ Thị Sáu, quận 3), 134/1/28 Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3), 419/18 Trường Chinh (phường 14, quận Tân Bình); 9 Đoàn Kết, 36 Đoàn Kết, 25 Công Lý (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức).

Chi tiết 22 biệt thự cũ trên địa bàn TPHCM vừa được phân loại ảnh 1

Một căn biệt thự cũ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh đã được phân loại để bảo tồn. Ảnh: Hữu Huy

UBND TPHCM yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc danh mục trên có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo quy định.

Theo đó, tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở; trường hợp là biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước, phải thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trường hợp là biệt thự cũ có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa.

Đối với biệt thự cũ thuộc Nhóm 2, phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài. Đối với biệt thự cũ thuộc Nhóm 3, thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc Nhóm 1 và Nhóm 2 có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Luật Nhà ở. Cụ thể, không làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ; Không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao của biệt thự cũ; Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.

UBND TPHCM yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP Thủ Đức, UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với các biệt thự cũ, nhất là các biệt thự cũ đã được phân loại vào Nhóm 1, Nhóm 2 và các biệt thự cũ đang trong quá trình được phân loại; chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tự ý tháo dỡ, chia cắt biệt thự cũ trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng còn được giao chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn UBND TP Thủ Đức, UBND các quận 1, 3,6, Tân Bình thực hiện công bố công khai danh mục các biệt thự đã được phân loại đính kèm Quyết định này, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo đúng quy định pháp luật.

Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TPHCM (Sở Quy hoạch - Kiến trúc) chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và trình UBND TP ban hành các quy định và cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện việc quản lý, bảo tồn, bảo trì, cải tạo các biệt thự cũ thuộc Nhóm 1, Nhóm 2 theo quy định pháp luật về nhà ở và quy định pháp luật về kiến trúc đối với công trình kiến trúc có giá trị.

MỚI - NÓNG
Đề xuất tăng 'sếp phó' cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đề xuất tăng 'sếp phó' cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
TPO - Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết có 1 đơn vị đủ vị trí pháp lý (tương tự như cơ quan đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM trước đây) để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát. Bên cạnh đó, bộ này đề xuất bổ sung thêm 1 phó chủ tịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.