Chàng trai 9x mở cà phê sách

0:00 / 0:00
0:00
Quán cà phê sách của Thịnh trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa quen thuộc của giới trẻ trên địa bàn Ảnh: Giang Thanh
Quán cà phê sách của Thịnh trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa quen thuộc của giới trẻ trên địa bàn Ảnh: Giang Thanh
TP - Không chỉ là điểm đọc sách, sinh hoạt của các bạn trẻ trên địa bàn, nhiều năm nay, quán cà phê sách thanh niên của Hồ Đức Thịnh (SN 1990, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) còn hỗ trợ việc làm cho cả trăm bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.

Lan tỏa văn hóa đọc

Chiều cuối tuần, quán cà phê nằm trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập Cộng đồng (VH, TT&HTCĐ) phường An Hải Đông, quận Sơn Trà đông đúc. Một vài nhóm học sinh đang thảo luận bài vở, một nhóm thanh niên chăm chú đọc sách, một vài em nhỏ tíu tít lựa truyện tranh trên kệ. Gần 4 năm nay, quán cà phê thanh niên này đã trở nên quen thuộc với thanh thiếu nhi trên địa bàn.

Là một người yêu sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, Thịnh ấp ủ kế hoạch xây dựng một điểm lưu giữ và cho mượn sách miễn phí. “Thời của tôi, cứ sau mỗi buổi học, chúng tôi lại lê la ở tiệm sách đọc “chùa” hoặc mướn sách ở những cửa hàng cho thuê về đọc. Ngày nay, công nghệ phát triển, các bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn hơn. Bởi vậy, tôi muốn tạo ra một không gian nơi các bạn trẻ yêu sách có thể tìm đến giao lưu, trao đổi”, Thịnh nói.

Có ý tưởng khởi nghiệp, Thịnh mạnh dạn trình bày với Đoàn phường An Hải Đông để tìm kiếm sự hỗ trợ. Nhờ sự “đỡ đầu” của Đoàn phường, Thịnh vay vốn Ngân hàng chính sách, đồng thời mượn được khuôn viên Trung tâm VH, TT&HTCĐ để khởi nghiệp. Khoảng sân vốn bỏ trống được dọn dẹp, lát gạch lợp mái khang trang. Thịnh “xanh hóa” khuôn viên bằng một vườn lan treo, cùng nhiều loại cây cảnh, bonsai.

“Đây là một trong những mô hình hiệu quả, vừa tạo ra sân chơi văn hóa bổ ích cho đoàn viên thanh niên, vừa hỗ trợ việc làm cho các bạn trẻ khó khăn. Thông qua Đoàn phường, nhiều bạn trẻ đã được kết nối để làm việc ở đây, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Sương, Phó Bí thư Đoàn phường An Hải Đông

Trong không gian rộng hơn 250m2, các kệ sách được bố trí ngăn nắp theo từng khu vực với cả trăm đầu sách đa dạng các thể loại. Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Sương, Phó Bí thư Đoàn phường An Hải Đông, từ khi khai trương, quán cà phê trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa quen thuộc của đoàn viên thanh niên. “Đoàn phường thường xuyên mượn địa điểm để tổ chức Ngày hội sách, các buổi trao đổi về văn hóa đọc, sinh hoạt các câu lạc bộ, hội nhóm... Đây cũng trở thành điểm đọc sách yêu thích của các em thiếu nhi, các bạn học sinh”, chị Sương cho biết.

Để làm phong phú kệ sách, Đoàn phường thường xuyên tổ chức các đợt vận động quyên góp sách cũ trong dân. “Các bộ sách giáo khoa sẽ được tặng lại cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Còn các loại sách khác sẽ được đặt ở quán cà phê để phục vụ mọi người”, chị Sương cho hay.

Tiếp sức các hoàn cảnh khó khăn

Em Phạm Thị Khánh Uyên (SN 2004, học sinh Trường THPT Ngô Quyền) vào làm việc ở quán mới được 2 tuần. Hoàn cảnh khó khăn, một mình bố phải lo cho 3 chị em nên Uyên xin làm bán thời gian ở quán để tự trang trải một phần học phí, đỡ đần cho bố. “Giờ em đang làm ca từ 10h30 đến 5h chiều, khi trở lại học ở trường em sẽ làm 1 ca/ngày, phù hợp với lịch học. Anh Thịnh cũng tạo điều kiện và yêu cầu tụi em đảm bảo việc học tập trước tiên”, Uyên nói.

Uyên là một trong số hàng chục bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn được anh Thịnh hỗ trợ việc làm. “Bản thân tôi là cán bộ Đoàn, từng đi và gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Tôi muốn góp một phần nào đó để tạo điều kiện cho các em”, Thịnh cho hay.

Nhân viên ở quán đa phần là các bạn sinh viên, học sinh. Ngoài ra, quán có 2 nhân viên “đặc biệt” là người khuyết tật với thâm niên gần 2 năm. “Tuy hướng dẫn các em khuyết tật làm việc mất thời gian gấp nhiều lần so với các bạn khác. Nhưng tôi muốn tạo cho các em môi trường làm việc thoải mái, để có thể hòa nhập, lao động và không còn mặc cảm, tự ti về bản thân”, Thịnh chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.