Cánh chim rừng không mỏi

TP - Bám vào chất liệu Tây Nguyên, Y San Aliô dùng hình thể lột tả cảm xúc, văn hóa của các dân tộc bản địa. Những tiết mục của ông vượt ra khỏi buôn làng, biểu diễn khắp các nước châu Âu. Gần nửa thế kỷ, nghệ sĩ nhân dân Y San Aliô vẫn cháy hết mình với nghệ thuật múa.

Trọn nghĩa tình với nghệ thuật

Những ngày giao mùa ở Tây Nguyên, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Y San Aliô tất bật cho chuyến ra Bắc. Mặc dù đã nghỉ hưu, bước sang tuổi 63 nhưng ông vẫn luôn bận bịu với những dự án nghệ thuật. “Về hưu rồi, công việc không cố định. Có sức khỏe thì ở đâu cần, bản thân vẫn cống hiến chỉ trừ lúc ốm đau”, ông tâm sự.

Năm 2015, nghệ sĩ Y San Aliô được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông là Nghệ sĩ Nhân dân thứ hai của tỉnh Đắk Lắk được phong tặng, sau cố Nghệ sỹ Nhân dân Y Moan.

Con người bình dị, hào sảng ấy toát lên vẻ hào hoa, rất nghệ sĩ với nụ cười đậm chất rừng núi. Hầu như ông không nói gì về bản thân, trừ khi hỏi điều gì, thì trả lời điều đó. Mảnh đất buôn Niêng (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) nơi Y San sinh ra và lớn lên cùng những đêm lễ hội thấm đẫm văn hóa dân tộc. Dòng máu nghệ thuật chảy trong ông từ nhỏ để rồi bén duyên với con đường nghệ thuật múa lúc mới 15 tuổi.

Y San bộc lộ tài năng nghệ thuật, hóa thân vào những động tác múa được chắt lọc từ cuộc sống đời thường nơi buôn làng để trở thành diễn viên múa của đoàn. Đầu năm 1976, Y San được tuyển vào Đoàn Văn công Đắk Lắk, nay là Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk. “Lúc đó, tôi được học 3 bộ môn múa, hát, nhạc. Vừa học múa vừa học biên đạo và nhạc cụ dân tộc. Sau đó, ai năng khiếu mảng nào thì điều về mảng đó. Lúc bấy giờ tôi được điều về mảng múa”, ông kể.

Cánh chim rừng không mỏi ảnh 1

NSND Y San độc tấu với cây sáo vỗ.

Y San đã đổ mồ hôi trên sàn tập để thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu, mang về nhiều giải thưởng cho đoàn. Thành công đầu tiên là tấm huy chương vàng với tiết mục múa bắt bướm tại Hội diễn văn nghệ toàn quốc tại Nha Trang năm 1977. “Tôi tự hào lắm, lần đầu tiên được thấy Nha Trang, được thấy biển, được diễn tại sân khấu lớn, cũng là lần đầu tiên được nhận huy chương vàng”, ông bộc bạch.

Cánh chim rừng không mỏi ảnh 2

NSND Y San (phải) luôn cháy hết mình với nghệ thuật.

Năm 1981, ông giành tấm huy chương vàng với môn thi nghệ thuật múa Solis (múa ít người) toàn quốc tại TPHCM, “Từ đó trong giới múa biết đến Y San rất nhiều. Dịp này, tôi được quen biết nhiều anh, chị làm nghề lâu năm. Các bậc tiền bối còn khen, đẹp trai, rất năng khiếu nghệ thuật”, ông hồi tưởng.

Ông vừa là biên đạo múa, vừa là nhạc công sử dụng thành thạo hầu hết các loại nhạc cụ dân tộc. Ching Kram và cây sáo vỗ đã theo nghệ sĩ Y San vượt ra khỏi Việt Nam đến các nước Thái Lan, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Bỉ, để tham dự giao lưu văn hóa, liên hoan văn nghệ dân gian nhạc cụ dân gian thế giới. Năm 2007, tiết mục độc tấu cây sáo vỗ với bài “Làng buôn vào hội” của nghệ sĩ Y San đã thực sự chinh phục những khán giả khó tính của thủ đô Paris khi biểu diễn tại hội trường lớn của UNESCO.

Cây sáo vỗ là nhạc cụ dân gian được NSƯT Vũ Lân cải tiến kết hợp từ nguyên lý phát âm và thủ pháp diễn tấu của 2 loại nhạc cụ Đing buốt và Ki Pah. Y San biểu diễn bằng cảm xúc tâm hồn của chàng trai Êđê xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu liên hoan cồng chiêng và đua voi Tây Nguyên năm 1995. “Tôi yêu nó thật sự, tập không biết giờ giấc, tập chảy máu môi”, nói rồi ông đưa cây sáo lên môi thổi, dùng tay vỗ, bịt, vuốt để tạo ra âm thanh. Dưới mái nhà dài tiếng sáo ấy bồi hồi, xao xuyến, đưa người nghe đắm chìm vào thứ thanh âm khi da diết, lúc rộn ràng như lời tự sự, tâm tình của cô gái, chàng trai Êđê giữa đại ngàn.

Trăn trở

Y San có thời gian 15 năm làm trưởng đoàn, hơn 10 năm làm phó Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Điệu múa của người nghệ sĩ lay động biết bao người, khơi dậy trong họ niềm đam mê với nghệ thuật Tây Nguyên. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, ông luôn cố gắng truyền dạy những gì mình thu lượm và chắt lọc được cho các thế hệ sau. “Đặc thù của vùng đất này, luôn phải bám vào chất liệu Tây Nguyên. Môn múa rất khó, hoàn toàn dùng hình thể con người để biểu diễn cảm xúc, dẫn cho khán giả hiểu sâu về tác phẩm vùng đất mà mỗi tiết mục thể hiện”, ông nói.

Có lẽ vì đau đáu với văn hóa cả đời ông gắn bó, năm 2020 ông nghỉ hưu, nhưng từ đó đến nay, ông vẫn có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật tỉnh nhà. Tại Lễ hội cà phê năm 2023, vở ca kịch Khát vọng Đăm Săn, ông là tổng biên đạo và nhạc sĩ Nguyễn Cường là tổng đạo diễn đã để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng. “Sáng tạo nghệ thuật nói chung phải hướng đến cộng đồng, được cộng đồng tiếp nhận thì sự sáng tạo mới thực sự là bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống đúng hướng và có hiệu quả”, ông bộc bạch.

Nói về nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông trìu mến, anh ấy đã đóng góp cho tỉnh rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nhất là thời kỳ NSND Y Moan đang còn khỏe, chưa mất. “Bản thân tôi có mối thân tình với nhạc sĩ Nguyễn Cường đã 40 năm nay, hai anh em không thể bỏ nhau được. Từ khi nghỉ hưu, tôi vẫn có những dự án xa ở miền Bắc cùng với nhạc sĩ Nguyễn Cường”, nói rồi ông cười nhẹ nhàng như nắng vàng thu.

Hình như phẩm chất khổ luyện đã ăn sâu vào ông. Gần cả cuộc đời ông sống trọn nghĩa tình với những điệu múa đi vào bản sắc cùng tiếng ngân vang của cồng chiêng Tây Nguyên, cây sáo vỗ. Ông nói bằng cái tâm của người nghệ sĩ chân chất nơi núi rừng khi một đời đau đáu, trăn trở với nghệ thuật. “Những năm 1985 cồng chiêng, lễ hội vẫn còn nguyên bản, vẫn còn dữ dội ở trong buôn làng. Theo thời gian phai mờ dần. Lớp trẻ vẫn còn nhiều người đam mê, vẫn có người chịu khó học hỏi nhưng…”, bỏ lửng câu nói, ánh mắt người đàn ông ngoài lục tuần xa xăm.

Tôi chợt nhớ lời tâm sự của một vị du khách ở TPHCM, ông rất yêu văn hóa Tây Nguyên, ông thường dành thời gian lên du lịch. Ông từng chia sẻ, nghệ nhân, nghệ sĩ bản địa thật sự khi biểu diễn họ cháy hết mình vì văn hóa ăn sâu vào máu thịt, thấm trong người, quá yêu rồi, thì mới làm được như vậy. Bây giờ chỗ nào cũng đánh chiêng, chỗ nào cũng múa xoang, hát dân ca… chất lượng, hiệu quả nghệ thuật không cao, không gây ấn tượng cho khách du lịch.

Phải chăng đó cũng là điều mà NSND Y San trăn trở. Mỗi khi có chương trình đoàn đi biểu diễn, ông mong muốn làm sao tiết mục thể hiện hồn cốt đặc sắc văn hóa Tây Nguyên.

Tin liên quan