Cần Thơ sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND Thành phố Cần Thơ vừa ban hành Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024, với khối lượng phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng. Tiền thu về để bù đắp bội chi ngân sách địa phương.

Nghị quyết 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, cho phép địa phương được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; vay lại. Với tổng dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Trái phiếu chính quyền địa phương do UBND TP. Cần Thơ dự kiến phát hành nhằm đảm bảo cân đối vốn đầu tư phát triển, để thực hiện các dự án trọng điểm, gồm: Dự án đường vành đai phía Tây, đường tỉnh 917, đường tỉnh 918, các khu tái định cư mới.

Dự kiến khối lượng trái phiếu phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng, trong đó, phân bổ 1.000 tỷ đồng cho năm 2024 và 1.000 đồng năm 2025, phù hợp nghị quyết Quốc hội, Thủ tướng giao.

Cần Thơ sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu ảnh 1

Trái phiếu được UBND TP. Cần Thơ phát hành nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án trọng điểm.

Trái phiếu của Cần Thơ dự kiến phát hành có kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Cơ cấu cụ thể của từng loại kỳ hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành. Mệnh giá của trái phiếu là 100.000 đồng.

Căn cứ vào khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành, UBND TP. Cần Thơ quyết định lãi suất phát hành trái phiếu đối với từng đợt phát hành.

UBND TP. Cần Thơ cam kết, đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, như lãi, gốc đầy đủ, đúng hạn; được sử dụng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu và cầm cố.

UBND TP. Cần Thơ có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ trả nợ hoặc để cơ cấu lại nợ...

Có hai phương thức phát hành trái phiếu, gồm phương thức đấu thầu phát hành tại tổ chức thực hiện đấu thầu công cụ nợ Chính phủ; hoặc bảo lãnh phát hành thông qua các công ty chứng khoán, ngân hàng, tổ chức tài chính có chức năng cung cấp dịch vụ.

Về thời gian, dự kiến tập trung phát hành vào tháng 7/2024 (đợt 1), sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và vào quý 1/2025 (đợt 2) đối với khối lượng còn lại, tùy theo khối lượng giải ngân của đợt 1.

Theo Nghị quyết 52 ngày 8/12/2023 của HĐND TP. Cần Thơ, tổng mức thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp của thành phố năm 2024 là hơn 11.584 tỷ đồng. Theo đó, hạn mức dư nợ vay tối đa của ngân sách địa phương năm 2024 là hơn 6.950 tỷ đồng (60% tổng ngân sách địa phương). Như vậy, dư nợ vay cuối năm 2024 dự kiến còn hơn 4.149 tỷ đồng, vẫn nằm trong phạm vi hạn mức vay nợ của ngân sách địa phương năm 2024.

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …