Cái tên

Cái tên
TP - Rồng đá hay xà thần, đó là tinh thần cuộc tranh luận quanh việc gọi tên bảo vật bức tượng con rắn (rồng) miệng cắn thân, chân xé mình ở đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh).

Bình thường, dân gian vẫn cho đó là rồng, vì như thế bức tượng mới có nhiều tầng nghĩa. Nhưng không ít người khẳng định là rắn. Hồ sơ của tỉnh Bắc Ninh lại cho rằng nửa rồng nửa rắn. Rốt cục, trong quyết định công nhận bảo vật quốc gia, bức tượng này được ghi song song hai tên: rồng đá và xà thần.

Cách gọi tên không đơn giản. Một số di sản muốn sang Paris “gặp” UNESCO cũng đã phải đổi tên. Điều này không xấu và không vì nó mà di sản sẽ được công nhận một cách ép uổng. Cái tên sẽ xác định tiêu chí rõ ràng, khẳng định giá trị nổi bật của di sản.

Gần đây, xuất hiện những cái tên lạ đời. Di tích, theo từ điển tiếng Việt, là những dấu vết còn lại từ quá khứ. Vậy nhưng, một loạt trận đánh, chiến công đã được công nhận di tích, mà những nơi chúng diễn ra giờ không còn một dấu tích nào, thậm chí đã thành chung cư, nhà dân hết cả. Rõ ràng ở đây có một sự ép uổng: không công nhận thì tiếc, mà công nhận thì chẳng biết gọi thế nào, đành gọi là di tích.

Năm 2012, có tới 12 món ăn Việt Nam, 8 đặc sản quà tặng được công nhận đạt kỷ lục châu Á.

Nhưng, như mô tả của báo Thanh Niên, với sự định danh những kỷ lục như thế, không có gì chắc chắn đó sẽ là một danh hiệu đáng tin, một thương hiệu bền vững. Chẳng hạn, ô mai Hàng Đường không khác biệt so với ô mai nơi khác. Và ngay trên phố Hàng Đường – Hà Nội, không phải hàng ô mai nào cũng ngon và đảm bảo an toàn.

Còn phở và bún thang, chuyên gia Nguyễn Quang Việt nói thẳng: “Gọi là kỷ lục thì kỳ lạ. Kỷ lục phải là gì đấy chất lượng, đột phá, cách mới mà bình thường không làm được”. Một tấm biển “không formol” có lẽ còn giá trị hơn danh hão, bởi như lời Tổng thư ký Hội Ẩm thực VN, “kỷ lục không dọa được thị trường”.

Có phải chúng ta giàu có di sản, giàu vốn văn hóa quá hóa lẫn lộn, nên khâu định danh, định tính, định lượng cũng trở nên vội vàng chóng vánh? Và có phải vì được mặc định là sở hữu bề dày văn hóa nên không sẵn sàng tiếp nhận những giá trị mới mà chỉ hứng khởi tiếp nhận hư danh?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.