Cả làng đua nhau... đãi vàng

Đoàn người đãi vàng ở một đoạn sông Chơrlang Ảnh: Nam Cường
Đoàn người đãi vàng ở một đoạn sông Chơrlang Ảnh: Nam Cường
TP - Những ngày nắng hiếm hoi đầu năm Tân Mão được người dân nhiều xã miền núi Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) triệt để tận dụng để ra quân... đãi vàng trên các con sông.
Đoàn người đãi vàng ở một đoạn sông Chơrlang Ảnh: Nam Cường
Đoàn người đãi vàng ở một đoạn sông Chơrlang. Ảnh: Nam Cường.

Lộc dưới lòng sông

Buổi trưa đầu năm ở vùng biên giới nắng gắt, nhưng hàng chục người dân xã Bhallê (huyện Tây Giang) vẫn chăm chỉ ngụp lặn dưới dòng sông Chơlang để đãi vàng. Đây là hình ảnh thường thấy trên nhiều con sông suối ở miền núi Quảng Nam, với phần lớn là bà con dân tộc Cơ tu.

Anh A lăng Nhứt (xã Bhallê) từ dưới lòng suối sâu, cười toe toét vẫy tôi cởi quần lội xuống để tận mắt thấy từng hạt vàng nhỏ li ti. Nhứt khoe: “Đến hôm nay (tức ngày 17-2- PV), mình đã đãi được 4 ngày rồi”. Mấy ngày nắng đầu năm trúng lắm. Cả gia đình 4 người thu về được gần triệu hai rồi.

Theo A lăng Nhứt, mỗi năm có đến 7 tháng cả gia đình cùng mang máng đi đãi vàng dưới các dòng sông, suối. Sông Tà Làng nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh, giữa đại ngàn Trường Sơn trùng điệp. Ngay đoạn sông dưới chân cầu Tà Làng, có trên dưới 30 người dân dùng cuốc xẻng, mâm máng đãi vàng trên dòng nước.

A lăng Nhứt nói: “Năm ngoái cũng đãi vàng trên sông này, nhưng cách đây khoảng 1km, về phía thượng nguồn ấy. Giờ cả làng kéo nhau về đây. Lúc nào hết vàng lại đến điểm khác”.

Dăm chục người dân đãi vàng, chia thành nhiều nhóm, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. A lăng Thị Nhiên- cô gái có nước da trắng bóc, nụ cười tươi, ngụp dưới lòng suối sâu, chốc chốc ngẩng đầu lên: Cả năm có 12 tháng, không đi rẫy thì đãi vàng chứ biết làm chi anh ơi. Nhiên cũng cho hay làm cả mấy ngày nay chỉ kiếm được mấy trăm ngàn đồng. Ngay lập tức, cô gái bên cạnh, chừng như là bạn cùng nhóm, chỉnh ngay: Nói vậy chứ 3 ngày kiếm được 3 trăm cũng bằng khối người đi làm rẫy.

A lăng Thị Nhiên mới 23 tuổi nhưng đã kịp có đến 4 đứa con. Điều kỳ lạ đối với phần đa bà con dân tộc Cơ tu ở Tây Giang nói chung và xã Bhallê nói riêng là đàn ông gần như được ở nhà, ít động tay vào việc nặng; việc kiếm tiền, đi rẫy làm nương hay đãi vàng dưới suối là của đàn bà. Thời gian gần đây, nếp nghĩ này đã dần thay đổi, nhưng phần lớn việc nặng vẫn do đàn bà đảm trách.

Bà Pơloong thị Dứt đã ngoài 50 tuổi nhưng những ngày đầu năm vẫn xuống sông cùng đám con cháu đãi vàng. Bà Dứt có tổng cộng 8 người con, chia nhau ra từng nhóm, mỗi nhóm theo một đoàn người cách nhau khoảng 500m trên cùng một con sông.

Nguy cơ sạt lở đường Hồ Chí Minh

Câu chuyện đào đãi vàng trái phép ở các con sông, suối các huyện miền núi Quảng Nam đã quá cũ, nhưng vẫn luôn nóng hổi bởi mức độ tàn phá môi trường có lẽ không thua kém bất cứ sự tác động thô bạo nào khác đối với thiên nhiên.

Tại sông Vàng (Đông Giang) thuộc các xã Ba và Tư, người dân đào vàng vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm mà ngược lại còn tăng thêm. Tại đây, gần như lúc nào cũng thường trực đội quân khoảng 3 - 4 trăm người tứ xứ, phần lớn là dân các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam... vào lập lán đãi vàng.

Người dân địa phương ở các xã Ba và Tư ven sông Vàng gần đây còn liên tục được gạ bán đất vườn cho các chủ bãi. Mặc dù mới đầu năm, nhưng ở các xã Ba và Tư cũng đã có nhiều lán trại hoạt động đãi vàng.

Sông Chơlang đoạn nằm bên đường Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa sạt lở đến mức nghiêm trọng vào phần ta luy dương của đường, nhưng với mức độ và số lượng cũng như tần suất khoét suối đãi vàng như hiện nay, chắc chắn một thời gian không xa nữa, nhà nước lại phải bỏ tiền gia cố đường Hồ Chí Minh vì sạt lở. Chủ tịch xã Bhallê - Pơloong Liên nói: Khó lắm, những ngày bà con rảnh rỗi, không đãi vàng thì biết làm gì?

Ngăn chặn tình trạng đãi vàng trái phép của bà con dân tộc thiểu số ở các dòng sông, suối hiện nay rất khó. Tuy nhiên, vì bà con làm nhỏ nên mức độ ảnh hưởng môi trường không đáng kể lắm. Huyện cũng thường xuyên ngăn chặn, họp dân tuyên truyền phổ biến, nhưng tình hình rất khó thay đổi - Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG