Bừng thức buôn cổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Buôn Ako Dhông, buôn cổ của người Êđê vừa chính thức được công nhận buôn Du lịch cộng đồng đầu tiên ở Đắk Lắk. Được hình thành cách đây khoảng 60 năm, nhưng người dân vẫn lưu giữ, bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Buôn làng giàu đẹp nhất Đắk Lắk này mê hoặc du khách trong và ngoài nước.

K 1: Miền cổ tích

Nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Êđê hiện lên bình yên, thơ mộng, cổ kính với những ngôi nhà sàn dài, câu chuyện huyền thoại. Buôn có sự pha trộn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại làm nên nét riêng độc đáo của buôn trong phố, chỉ có ở mảnh đất đại ngàn.

Cổ xưa mà hiện đại

Trong tiết trời nắng hanh quyện vào cái xiên xiết lạnh, chúng tôi đến buôn Ako Dhông (nằm cuối đường Trần Nhật Duật, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Bên bậu cửa sổ một số ngôi nhà sàn dài, đôi tay thoăn thoắt của người phụ nữ Êđê dệt từng họa tiết hoa văn sống động. Thấp thoáng sau những nếp nhà dài là nhà bê tông kiểu biệt thự, nhà xây mái bằng.

Bừng thức buôn cổ ảnh 1

Ngôi nhà của già Ama Hrin với kiến trúc độc đáo luôn thu hút du khách

Ông Ama Dít (SN 1958) người am tường về buôn kể một cách tự nhiên về đời sống thường ngày của bà con nơi đây, từ những lễ tục truyền thống, những món ẩm thực của đồng bào có tự lúc nào, ít ai còn tường tận… Nghe chính người bản địa kể về buôn làng họ sinh sống, du khách thấy rất thú vị.

Trong dòng chảy nhộn nhịp của đô thị, buôn Ako Dhông mang dáng dấp riêng với khung cảnh yên bình, vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Bên cạnh những kiến trúc cao tầng, bà con vẫn luôn gìn giữ những ngôi nhà dài. Nhà dài không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc của người Êđê. Căn nhà được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất nên có huyền thoại nhà dài như tiếng chiêng ngân. Trong không gian ấy, đêm đêm đại gia đình quây quần sum vầy bên bếp lửa. Phụ nữ dệt vải; người già kể sử thi, các lễ nghi, tập tục của người Êđê được thể hiện. Mất nhà dài coi như mất hồn cốt người Êđê.

Vành trăng khuyết cách điệu, cùng đôi bầu sữa căng tràn được khắc họa trên chiếc cầu thang lên ngôi nhà sàn khiến nhiều du khách lần đầu đến Tây Nguyên tò mò. Theo phong tục của người Êđê, đàn ông trong gia đình bắt buộc phải đi cầu thang đực, còn cầu thang cái dành riêng cho phụ nữ.

“Đàn ông trong buôn làng hay làng khác, khách quý đến chơi, được chủ nhà mời đi lên bằng cầu thang cái. Khi bước lên đừng bỏ lỡ cơ hội sờ bầu vú trên cầu thang, hành động sờ như vậy thể hiện sự tôn trọng phụ nữ Êđê. Cầu thang nhà dài thường có 5 hoặc 7 bậc. Họ quan niệm, số lẻ sẽ đem lại cho gia chủ tài lộc và sự sung túc”, chất giọng khàn đặc của bậc già làng hé mở từng câu chuyện.

Theo quan niệm của người Êđê, mọi vật đều có linh hồn. Khi làm cầu thang, họ cúng Giàng (thần linh) để xin đấng bề trên cho phép và che chở để công việc suôn sẻ. Thợ được chọn làm cầu thang là những nghệ nhân có kinh nghiệm và giỏi nhất của buôn làng. Khi làm cầu thang, những người thợ kiêng cữ rất nghiêm ngặt.

Quá trình đô thị hóa làm diện mạo nhiều buôn làng trở nên xa lạ với chính con người tại chỗ. Nhưng buôn này thì khác, theo kịp nhịp sống hiện đại hóa nhưng vẫn giữ trong mình vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ.

Mạch nguồn của buôn

Bừng thức buôn cổ ảnh 2

Buôn Ako Dhông mang vẻ đẹp bình yên

Bên hiên nhà sàn, ông Ama Dit hướng đôi mắt xa xăm. Trước kia buôn Ako Dhông là rừng, lác đác đôi ba ngôi nhà nằm giữa khoảng rừng mênh mông. Ngày đó, ông còn rất bé, theo chân cha mẹ đến những buổi họp buôn, ngồi nghe ông bà, kể chuyện về sự hình thành buôn. Nhân vật trong câu chuyện huyền thoại lập buôn chính là Y Diêm (sau này gọi là Ama H’rin).

Chuyện kể rằng, khoảng năm 1956, chàng trai nghèo Y Diêm Niê quê M’đrăk (Đắk Lắk) đặt chân đến vùng đất này. Anh thấy cuộc sống của người dân nơi đây không hề giống bất kỳ một buôn Êđê nào. Ở đây có nguồn nước dồi dào, rừng bất tận.

Lúc bấy giờ có 2 bà xơ đến mở lớp dạy chữ, làm nhà sinh, họ không dùng nước suối chưa đun sôi để ăn uống sinh hoạt. Chàng trai Êđê xin được giúp việc và ở lại đây lập nghiệp.

Nơi đây về sau chính là buôn Ako Dhông. Tiếng Êđê: “Ako” có nghĩa là đầu nguồn, “Dhông” là “suối”. Ako Dhông là “đầu nguồn suối”, vùng đất này bắt nguồn từ 6 con suối Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung và đặc biệt là Ea Nuôl - con suối lớn nhất ở Buôn Ma Thuột.

Ngày đó, cây cà phê trồng ở vùng đất này mang lại lợi nhuận cao, Ama Hrin tìm cách học kỹ thuật trồng. Cuối cùng ông đã trồng cà phê trên 40 mẫu đất của buôn. Ở tuổi 30, Ama Hrin được mọi người đặc cách làm trưởng buôn, làm chủ đồn điền. Đất ở đồn điền, Ama Hrin chia đều cho các hộ, nhưng sản phẩm làm ra của mỗi gia đình phải được công khai chia đều cho mọi người, ai ốm đau sẽ được thêm phần và được giúp đỡ. Ngày ấy, buôn Ako Dhông đã là buôn Êđê sung túc nhất vùng đất đỏ Tây Nguyên.

Dừng chân lưng chừng con dốc, tận hưởng vẻ thơ mộng, êm đềm của khu rừng nguyên sinh. Nhìn thăm thẳm vào vạt rừng cuối buôn trong chiều muộn, ông Ama Dít nói, dù nằm ngay thành phố, nhưng buôn vẫn giữ được một khu rừng nguyên sinh rộng gần 3 ha với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Vẻ thơ mộng, êm đềm và không kém phần hoang dã, hấp dẫn của buôn chính là nhờ khu rừng này.

Bây giờ khu rừng không còn rộng lớn như xưa, phía rìa khu rừng người dân đã khai hoang trồng hoa màu, nhưng họ chỉ dám làm phía rìa không dám mạo phạm vào trong rừng. Bà con không cho bất kỳ ai động đến mấy hecta rừng này. Họ bảo đấy là nguồn sống, là dưỡng khí, là mạch nguồn của nước... đụng vào đấy là mất tất cả.

“Buôn Ako Dhông thuở trước là ngôi làng chỉ có vài chục nóc nhà, nằm yên bình giữa lòng thành phố. Trước giải phóng, cả buôn có 3 nhà dài lợp tranh phên nứa, bị Mỹ đánh bom cháy 2 nhà sàn, sau trận cháy đó nhà sàn chuyển sang lợp ngói và làm bằng gỗ. Trước đây căn nhà sàn già làng Ama Hrin làm bằng tre nứa, sau đó được người con trai thứ 3 bỏ một khoản tiền lớn để trùng tu”, ông Ama Dít thông tin.

Sau đó, người dân tiếp tục dựng nhà sàn lợp ngói. Tự ngàn đời, bên mái nhà sàn dài trầm mặc nơi các buôn làng, hương rượu cần nồng nàn, tiếng chiêng tấu lên rộn rã. Mỗi điệu chiêng của người Tây Nguyên đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với núi rừng, cộng đồng...

Bao năm qua, những ngôi nhà sàn nơi đây vẫn vững chãi cùng mưa nắng Tây Nguyên. “Nơi đây, ngoài không gian những ngôi nhà sàn thì nét riêng thu hút tôi là chiếc cầu thang bước lên nhà sàn”, anh Nguyễn Văn Thịnh (du khách Đà Nẵng) chia sẻ.

Hiện nay, buôn Ako Dhông có 247 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, trong đó có 64 hộ Ê đê với 317 nhân khẩu; 32 ngôi nhà dài truyền thống. Tại buôn Ako Dhông, ngoài những người dân sinh sống từ thời lập buôn, còn có những người nơi khác đến lập nghiệp, mở dịch vụ du lịch, nhà hàng.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG