Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cao Bằng là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những di sản văn hóa riêng rất phong phú và độc đáo. Đến dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng lần thứ XV, các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số đã khoác lên những bộ váy, áo cũng như khăn mũ đội đầu rực rỡ, riêng có của quê hương mình.

Chị Hoàng Hồng Diệu, dân tộc Nùng, Bí thư Tỉnh Đoàn Cao Bằng phấn khởi giới thiệu: Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mỗi dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô..., có những nét sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán riêng, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc được lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành và tuổi trẻ Cao Bằng quan tâm, chú trọng.

Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 1

Nữ đoàn viên người Tày, Nùng tự hào với sản vật của địa phương mình

Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 2

Trang phục người Nùng được thiết kế nền nã với hoa văn, họa tiết khá bắt mắt

Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 3
Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 4

Hai chàng trai người Nùng và Tày tham dự Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Duy Chiến

Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 5

Nữ thanh niên người Mông (ngoài cùng bên phải) được mọi người chú ý bởi khăn, áo có hoa văn, họa tiết ấn tượng - Ảnh: Duy Chiến

Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 6

Đoàn viên người Dao với trang phục rực rỡ, nổi bật

Chị Hoàng Hồng Diệu chia sẻ: Trước hết phải kể đến sự giản dị, nền nã nhưng hết sức tinh tế của trang phục dân tộc Tày. Trang phục phụ nữ Tày không rực rỡ nhưng trang nhã, thể hiện tính cách chân thành, trầm lắng và sâu sắc. Tất cả từ quần, áo, váy, thắt lưng, túi vải đeo, đôi giày đến chiếc khăn đội đầu, khăn trùm đều được làm bằng vải chàm dệt thủ công tỉ mỉ, khéo léo. Phụ nữ Tày mặc áo chàm dài xẻ tà, vạt áo thướt tha trùm đến bắp chân, tay áo và thân áo bó vừa khít người, đầu vấn khăn ngang, ngoài trùm khăn mỏ quạ, thêm trang sức vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, xà tích bằng bạc. Nam giới người Tày mặc áo chàm ngắn, cổ đứng, quần đũng chéo ống rộng dài đến mắt cá chân.

Trang phục dân tộc Nùng được cắt may từ vải đen nhuộm chàm, phần lớn không có nhiều hoa văn và đường nét. Trang phục nữ giới người Nùng có khá nhiều điểm tương đồng với phụ nữ Tày, song màu sắc, kiểu cách hoa văn trang trí và kích thước lại khác nhau. Chiếc áo của phụ nữ Nùng được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực.

Người Mông có nét riêng trong trong phục đó là may bằng vải lanh tự dệt có màu sắc sặc sỡ, hoa văn bắt mắt đặc trưng, hình dáng và trang trí công phu, thêu với kiểu váy rộng và đẹp. Nam giới Mông thường mặc quần ống rộng, áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng.

Trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ thể hiện sự sáng tạo, tinh tế rực rỡ như bông hoa khoe sắc giữa núi rừng. Áo dài quá đầu gối, tay dài rộng, trang trí viền để hở ngực, có hai chuỗi bông màu đỏ rực rỡ. Bên trong mặc yếm vải đỏ gắn nhiều họa tiết hoa bằng bạc. Áo chàm dài trang trí hoa văn nhiều màu sắc đỏ, hồng, vàng, trắng. Bên người quấn một dải vải thêu thùa nhiều hoạ tiết bằng chỉ đỏ. Thắt lưng thêu cầu kỳ quấn vòng quanh eo bụng, rủ xuống đằng sau ngang tà áo.

Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 7

Nữ đoàn viên, thanh niên người Tày, Nùng giới thiệu đặc sản quê hương với bạn người Mông (giữa) - Ảnh: Duy Chiến

Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 8
Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 9
Bừng sáng sắc màu dân tộc tại Đại hội Đoàn tỉnh Cao Bằng ảnh 10

Thiếu nhi các dân tộc chung vui với ngày hội lớn của tuổi trẻ tỉnh nhà - Ảnh: Duy Chiến

“Mỗi bộ trang phục truyền thống không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng và khát vọng cao đẹp của từng dân tộc. Chính điều đó đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa sắc màu văn hóa các dân tộc. Giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc”, chị Diệu nói.

MỚI - NÓNG