Biến nhà máy cũ thành 'đặc sản văn hóa' mới

0:00 / 0:00
0:00
Bên trong nhà máy dệt Nam Định trước khi bị phá bỏ
Bên trong nhà máy dệt Nam Định trước khi bị phá bỏ
TP - Không còn phù hợp tồn tại trong lòng thành phố, các nhà máy cũ mang theo nguy cơ ô nhiễm đều sẽ phải di dời ra khỏi nội đô. Điều dư luận thời gian qua quan tâm là sau khi di dời, không gian của nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội sẽ được dùng vào việc gì?

Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên làm gì?

Vào năm 2019 khi vụ cháy ở công ty Rạng Đông làm rò thủy ngân ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn gia đình đã dấy lên dư luận về việc cần thiết phải di dời các nhà máy cũ khỏi khu dân cư. Ngay tại thời điểm đó, những cuộc tranh luận về việc quỹ đất sau khi di dời sẽ được sử dụng như thế nào đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Giữa các gợi ý: dành để xây công viên, chung cư hoặc các công trình văn hóa, phiếu bầu cho chung cư chỉ chiếm một phần nhỏ so với những mong muốn về các công trình công cộng.

Ngày 21/10/2021, trong khuôn khổ tọa đàm “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp” (do Viện Văn hóa Quốc gia Châu Âu (EUNIC) hỗ trợ), ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI) đã cho biết: “Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị”.

“Đây là những quỹ đất trống cuối cùng của thành phố. Nếu không nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi các cơ sở công nghiệp thành các không gian công cộng, không gian sáng tạo thì có lẽ chúng ta sẽ mất cơ hội mãi mãi”.

PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan,

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng

Ông Hùng cũng chia sẻ thêm: Theo như quyết định số 130 (2015) của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành Hà Nội thì các quỹ đất này “không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”.

Phế tích hay di sản công nghiệp?

Vào năm ngoái, một tranh luận kéo dài xung quanh việc ứng xử với các nhà máy công nghiệp cũ như là một phế tích hay di sản công nghiệp đã đặt ra vấn đề: chúng ta đã thực sự đánh giá đúng giá trị của những công trình từng bị đập bỏ hay vẫn thuần túy coi nó là phế tích, cũ thì bỏ?

TS Lê Quân (Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) nhận định: “Di dời các nhà máy là cần thiết, cấp bách, là nhiệm vụ quan trọng của tái thiết đô thị, nhưng tái thiết không chỉ là thay thế công trình cũ bằng mới”.

Ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội cho biết: “Không chỉ giàu có về mặt kiến trúc, các cơ sở công nghiệp đã hình thành nên ký ức quan trọng trong tiến trình xây dựng không gian đô thị của chúng ta, bản sắc của chúng ta và lịch sử của những người lao động, người dân quanh khu vực mà cơ sở công nghiệp đó tồn tại. Rất nhiều ví dụ thành công tại châu Âu và trên thế giới đã cho thấy việc chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa, nuôi dưỡng sáng tạo là mô hình có tính đạo đức bởi các dự án chuyển đổi này luôn mang đến tác động tích cực cho các vùng lân cận và được người dân đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của họ”.

Nhóm nghiên cứu của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Thái Huyền sau khi khảo sát danh sách những nhà máy phải di dời, cho rằng có những địa điểm tiềm năng có thể chuyển đổi thành không gian văn hóa như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, công ty Diêm Thống Nhất, công ty In Báo Nhân Dân Hà Nội...

Đơn cử như trường hợp nhà máy xe lửa Gia Lâm, bà Huyền đánh giá: Nhà máy có lịch sử hoạt động hơn 100 năm, trong đó nhóm nhà xưởng được Ba Lan hỗ trợ xây dựng từ năm 1988 là di sản mang tính điển hình của các cơ sở công nghiệp nặng - nhà xưởng sử dụng hệ thống cầu trục hạng nặng, các dầm thép tổ hợp kích thước lớn và mái gấp hình răng cưa. Tất cả các cửa mái đều được mở hướng Bắc - Nam, phù hợp với khí hậu Việt Nam. Diện tích cây xanh lớn, chiếm gần một nửa tổng diện tích của toàn bộ khuôn viên nhà máy. Cây xanh chủ yếu là những cây lớn, tuổi thọ vài chục năm...

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống chia sẻ: “Việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị. Nó tạo ra cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa, là nơi ươm các start-up của giới làm sáng tạo. Các không gian sáng tạo chuyển đổi từ các khu công nghiệp có diện tích lớn, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị tầm cỡ khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, nhà nước cần đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho sự chuyển đổi, đầu tư vào việc chuyển đổi, và có chính sách khuyến khích các thành phần khác tham gia vào việc chuyển đổi này”.

Biến nhà máy cũ thành 'đặc sản văn hóa' mới ảnh 1
Nhà máy xe lửa Gia Lâm được đề cử tái thiết thành một không gian văn hóa

Bài học “gà đẻ trứng vàng”

Hà Nội từng có những nhà máy cũ được chuyển đổi công năng thành các không gian văn hóa như: Trung tâm Văn hóa Pháp ở phố Tràng Tiền trước đây vốn là một nhà in cũ xây dựng từ đầu thế kỷ XX; Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội) cũng là một xưởng in cũ được tái thiết thành không gian sáng tạo, nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, nghệ thuật, kết nối nghệ sĩ với giới trẻ; tổ hợp Zone 9 (cũ) được cải tạo từ một cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2; “quận nghệ thuật” Hanoi Creative City ở phố Lương Yên xây trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long; 282 Design ở phố Phú Viên xưa kia là nhà máy sản xuất mũ cối...

Biến nhà máy cũ thành 'đặc sản văn hóa' mới ảnh 2
Không gian sáng tạo Complex1 (Tây Sơn, Đống Đa) được xây dựng trên nền xưởng in cũ

Đừng để mất thêm những di sản công nghiệp như nhà máy dệt Nam Định

Kể từ sau khi toàn bộ nhà máy dệt Nam Định bị phá bỏ để xây khu đô thị vào năm 2016, rất nhiều kiến trúc sư và những người làm di sản đã bày tỏ tiếc nuối vì đã không giữ được một di sản công nghiệp có tuổi đời hơn trăm năm (nhà máy dệt được xây dựng từ năm 1889, được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương).

KTS Trần Vũ Việt chia sẻ: “Tôi sang Lille (Pháp) đúng vào năm nhà máy dệt Nam Định bị phá bỏ (2016), phát hiện ra ở đây cũng có những nhà máy dệt tương tự (Lille nổi danh với công nghiệp dệt kim và may mặc) nhưng chính quyền đã không phá bỏ các nhà máy cũ dù lúc đó chính người dân cũng không hề muốn giữ lại những công trình này. Họ cho rằng nó là nhân chứng cho cuộc sống bần hàn của giai cấp công nhân. Sau đó, hàng loạt nhà xưởng được đầu tư cải tạo trở thành trung tâm văn hoá, nhà triển lãm, biểu diễn, hội họp… Giờ đây, Lille được coi như một thủ phủ văn hóa, vào năm 2004 vùng này đã được chọn làm Thủ đô văn hoá châu Âu. Tôi nghĩ, nếu nhà máy dệt Nam Định bị đập bỏ muộn hơn, được giữ lại và cải tạo, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi mô hình của Lille, biến Nam Định thành một thành phố du lịch văn hóa, tạo giá trị mới cho phế tích cũ, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân”.

Anh Việt cũng nói thêm: Những bài học bảo tồn gìn giữ di sản ở châu Âu luôn gắn liền lợi ích của dân cư địa phương với di sản, cho nên, nó chính là “nồi cơm Thạch Sanh” cho cộng đồng.

Và nếu như Việt Nam mới chỉ dừng ở việc chuyển đổi công năng, thì trên thế giới, nhiều nước đã thành công biến những nhà máy công nghiệp cũ thành các giá trị du lịch mới, thậm chí là “con gà đẻ trứng vàng”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc nghệ thuật Heritage Space) đơn cử ví dụ về nhà máy 798 ở Trung Quốc đã được biến đổi thành một “quận nghệ thuật”, thu hút các nhà đầu tư không chỉ ở Trung Quốc. Giờ đây, 798 chính là một trong 10 khu nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, là một địa điểm du lịch “phải đến” của Bắc Kinh, bên cạnh Tử Cấm Thành, Di Hòa Viên, hay Vạn Lý Trường Thành.

KTS Salvador Perez Arroyo (Tây Ban Nha – tác giả của Bảo tàng Hạ Long) kể về bảo tàng Magazzini del Sale ở Venice, Ý từng là kho muối lớn. Và hiện người ta đang đề xuất làm một trường nghệ thuật ở đây. Lý giải về sự cần thiết của việc “giữ lại”, ông cho rằng: Những bức tường của Magazzini del Sale bộc lộ quá khứ và bề mặt chất liệu thì diễn đạt cho các thời đại.

KTS Nguyễn Thành Sơn Nam cũng kể một ví dụ “đáng học” cho khu Cao-Xà-Lá ở Thanh Xuân: Ở thành phố Bristol (Anh), không gian sáng tạo Tobacco Factory Theatre đã được hình thành từ việc cải tạo một nhà máy thuốc lá bị bỏ hoang. George Ferguson, một chính trị gia lúc đó đã bỏ tiền ra mua nhà máy này và khuyến khích các nghệ sỹ biến khu đất bỏ hoang này thành một địa điểm nghệ thuật. Chỉ sau một thời gian ngắn, ở đây đã có hàng loạt các nhà hát và các triển lãm; kéo theo sự nở rộ của chuỗi cửa hàng và dịch vụ, trở thành một khu vực đáng sống với người dân địa phương. Cũng nhờ những cống hiến cho nghệ thuật, George Ferguson trở thành Thị trưởng được bầu đầu tiên của TP Bristol (nhiệm kỳ 2012-2016).

MỚI - NÓNG
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
TPO - Ngày 4/5, tại Hà Nội, Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội công bố Nghị quyết và trao Quyết định của Ban Giám hiệu nhà trường bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, từ ngày 1/5/2024, thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực.