Bí mật thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều người ở các thành phố lớn tìm về Quảng Ngãi tham quan Thành cổ Châu Sa lắc đầu nói “không thấy gì cả”. Nhưng nếu gặp hướng dẫn viên nông dân thì sẽ được nghe và thấy nhiều chuyện thú vị.
Bí mật thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi ảnh 1

Di tích thành Châu Sa

Bức màn thành cổ

Tiếng chó sủa từng tràng dài không ngớt trong xóm vắng. Con đường từ cầu Sắt vào xóm Thành thấp thoáng bóng người đi lại giữa sương lạnh rồi biến mất dưới bóng tre phủ rợp xuống hai bên đường. Những tốp người thì thầm trong bóng tối và vượt qua nỗi sợ hãi nhờ những chiếc cuốc, thuổng nắm chặt trên tay rồi biến vào màn đêm. Có người mang theo cút rượu ra thành cổ để nguyện cầu. Đó là hình ảnh từng diễn ra suốt nhiều năm ở ngôi làng nằm bên cạnh thành Châu Sa, cao điểm là thập niên 80-90 của thế kỷ trước.

Bí mật thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi ảnh 2

Đồ gốm sứ được tìm thấy gần thành cổ Châu Sa Ảnh: Văn Chương

Hơn 1.000 năm trước, trên con đường này là những người Chăm lầm lũi với lời kinh Rigveda, Samaveda (Ca vịnh Vệ đà), lúc sợ hãi thì đọc kinh Atharvaveda (gồm bùa chú và khấn trừ tà ma). Còn “lời nguyện” của những con người thời đương đại là “vàng Hời, có cánh cửa xuống kho báu, khi nào vàng Hời đi ăn đêm…?”. Những người nông dân không thể nhớ hết được tên (vì quá dài?) của vua Sri Indravarman, đế hiệu Jaya Indravarman (875-982) đã ra lệnh xây dựng thành Châu Sa, mà chỉ nhắc đến kho báu của người Chiêm Thành còn để lại, bằng chứng là từng đoàn người Chăm thỉnh thoảng vẫn đi về, với tấm bản đồ trên tay.

Bà Đỗ Thị Tía, 82 tuổi - một người dân địa phương vẫn nhớ như in chuyện nhiều người tụ tập, chuẩn bị thúng đựng vàng, trong ánh mắt ai cũng sáng lên màu hoang dại, tò mò. Câu chuyện về vàng Hời của người Chiêm Thành không phải chỉ lưu truyền ở Quảng Ngãi, mà còn có ở khắp nơi thuộc dải miền Trung thuộc hai châu Ô, Lý xưa. Dù ở nhiều tỉnh thành khác nhau, nhưng chuyện vàng Hời đều lưu truyền giống hệt nhau. Đó là tại các khu thành cổ thường xuất hiện bầy gà, nải chuối bằng vàng, nhưng bắt được vàng này là không phải dễ, thậm chí tự rước họa vào thân.

Trấn giữ thành cổ

Bí mật thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi ảnh 3

Anh Đông chỉ cho phóng viên hào thành bao quanh thành cổ Châu Sa Ảnh: Văn Chương

Anh Bùi Đình Đông, người thanh niên thời nhỏ đã từng ngồi hóng bà con kể chuyện Vàng hời, những điều linh thiêng của thành Châu Sa, tận mắt nhìn thấy từng đoàn người Chăm liên tục trở lại và đứng lặng yên dưới chân thành cổ, với chiếc khăn trùm đầu và chiếc áo choàng trắng. Anh Đông dẫn tôi đi đến từng vị trí của thành Châu Sa và chỉ ra những bức tường thành cao 4 mét từng gắn với kỷ niệm tuổi thơ. Do xóm làng che khuất, nên đi vào giữa thành Châu Sa thì cũng chưa thấy những điểm nhấn, cho đến khi hào thành hiện ra trước mắt đầy choáng ngợp.

Thành Châu Sa là một thành lũy được đắp bằng đất và theo tài liệu là rộng 5 mẫu 5 sào, phần lõi của thành được đắp gần vuông (540 x 580 mét) và có 5 cửa ra vào. Sau hơn 1.000 năm, phế tích còn rõ nhất của thành là hào sâu và rộng bao quanh. Có thể hình dung ra kinh thành Huế được xây dựng kiên cố và vây quanh là một hào nước sâu, rộng thì thành Châu Sa cũng có cách phòng thủ tương tự, nhưng hào rộng hơn. Từ thành Châu Sa đi về phía đông nam, hữu ngạn của sông Trà Khúc là đến thành Bàn Cờ, thành Hòn Yàng, thành Cổ Lũy. Những đồn này nằm gần nhau để điều quân tiếp ứng bảo vệ thành Châu Sa.

Sau khi vua Lê Thánh Tông tiến vào phương Nam năm 1471 để mở rộng bờ cõi, cắt đặt Quảng Ngãi thuộc thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa, chính quyền phong kiến có thể tiếp tục sử dụng thành Châu Sa làm cơ quan đầu não. Vì đến năm 1807 thì thành Quảng Ngãi mới bắt đầu được xây dựng. Đến thời hiện đại, thành Châu Sa tiếp tục được sử dụng làm đồn binh. Đó là trước năm 1975, vị trí thành cổ Châu Sa được chính quyền Sài Gòn đặt đồn Sơn Thành và biên chế toàn bộ lính là người dân tộc mang họ Đinh.

Bí mật thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi ảnh 4

Bia ký ở tháp Chánh Lộ, một thánh đường nằm ở Quảng Ngãi, cùng thuộc châu Amaravati. Ảnh: Văn Chương

Sau năm 1975, thành cổ Châu Sa trở về tay những người nông dân. Bà con ở đây cho biết, người dân cày cuốc ở khu vực thành, làm rẫy bậc thang để trồng củ lang, củ mì (sắn). Đất nơi đây cho cây khoai lang ra củ đỏ au, bột mịn, củ to. Đó là thời điểm lương thực thiếu thốn, mọi nhà trồng lương thực ở mọi nơi có thể. Nơi hào thành rộng và sũng nước được biến thành ruộng lúa. Người Chăm rất giỏi nghề lúa nước, làm đồ gốm, đi biển, dệt vải sợi bông. Và khu vực thành cổ sau hơn ngàn năm cũng ra đời làng gạch nổi tiếng có tên gọi là gạch ngói Tịnh Thiện. Còn hào thành hiện nay vẫn đang là khu vực lúa nước tươi tốt.

Tìm về phế tích

Thành Châu Sa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994. Nhiều người bị thu hút bởi hình ảnh trên mạng internet, nhưng đó đều là những hình ghép không có thật. Có những du khách ở tận Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định đã tìm về đây, nhưng nếu không được hướng dẫn đi thăm thì sẽ trở về với nỗi thất vọng. Có những du khách từng viết trên trang cá nhân sau lần thăm thành cổ, rằng “thành cổ Châu Sa không còn gì để xem!”. Nếu đến đây và được những người nông dân làm hướng dẫn viên, dẫn tới khu vực hào thành và nghe họ kể chuyện thì du khách mới kết nối được bức tranh toàn cảnh của phế tích ngàn năm.

Thành cổ đổ nát, nhưng dường như vẫn tồn tại một phép lạ. Những người hiểu về văn hóa, khi đến nơi đây thì tâm tưởng như đang lạc về thế giới ngàn năm, khi con người có vận mệnh ngắn ngủi, đối mặt với dịch bệnh, chiến tranh liên miên giữa các tiểu quốc như lời khắc trên bia đá ở huyện Đắk Pơ (tỉnh Gia Lai) mới được giải mã. Con người còn chết bởi những phong tục và lễ giáo rùng rợn. Bia ký tháp Po Nagar tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (đời vua Indravarman IV) được dịch có nội dung hiến tế 3 đứa trẻ, nguyên nhân có thể là hình phạt đối với một người tên là Pady do có lời nói phạm thượng.

Theo sử sách thì vào khoảng năm 854, vua cuối cùng của triều đại thứ 5 là Java Vikrantavarman III băng hà. Triều thần đã tiến cử đức vua mới là Sri Indravarman II. Vị vua mới đã quyết định dời kinh đô Panduranga ở Ninh Thuận ra Quảng Nam (châu Amaravati), thành lập kinh đô mới là Indrapura. Thành Châu Sa là công trình phòng thủ án ngữ phía Nam của kinh đô.

Đã mấy chục năm, những người dân ở thành cổ Châu Sa không ai tìm thấy được vàng, nhưng vẫn không ngừng đặt câu hỏi về những điều bí ẩn. Mãi đến năm 2010, gia đình ông Đặng Ngọc Anh ở đội 1, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu mới đào được lô đồ vật gốm sứ được chôn dưới độ sâu 1,5 mét. Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi nhận định, cổ vật này có pha trộn phong cách của người Việt từng sinh sống tại đây vào thế kỷ XVI và người Chăm từng sinh sống tại thành Châu Sa vào thế kỷ thứ IX. Có thể, hai dân tộc đã có sự tiếp biến, dung hợp, cùng phát triển, cùng vươn ra biển Đông, vì trình độ đi biển của người Chăm thời đó cũng đáng bậc thầy.

MỚI - NÓNG