Bị cáo buộc tạm ứng tiền nhưng không thi công gói thầu, nữ giám đốc kháng cáo kêu oan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi bị tuyên án 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do tạm ứng tiền để thực hiện gói thầu tại dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng, nhưng không triển khai, bị cáo Quản Thị Thu Hiền đã có đơn kháng cáo kêu oan và nêu nguyên nhân do tác động của dịch COVID, chủ đầu tư không bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu nên không triển khai được. 

Ngày 11/4, luật sư cho biết, bị cáo Quản Thị Thu Hiền (SN 1967, cựu Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và Xây dựng Trường Phúc Hoàng) vừa có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cao Bằng.

Bị cáo Hiền bị phạt 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong vụ án liên quan đến gói thầu xây dựng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh này.

Bị cáo buộc tạm ứng tiền nhưng không thi công gói thầu, nữ giám đốc kháng cáo kêu oan ảnh 1
Cơ quan công an thi hành các quyết định tố tụng đối với bà Quản Thị Thu Hiền.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Cao Bằng, năm 2015, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng được cấp vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Dự án này do Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư.

Thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trường Phúc Hoàng (Công ty Trường Phúc Hoàng) do bà Quản Thị Thu Hiền làm Giám đốc đã trúng gói thầu số 02 xây nhà đa năng trị giá 26 tỷ đồng.

Ngày 26/12/2016, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng (chủ đầu tư) do ông Hà Minh Trần đại diện và Công ty Trường Phúc Hoàng (nhà thầu) do bà Quản Thị Thu Hiền đại diện ký kết Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1262.

Nội dung hợp đồng, các bên thống nhất, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng sẽ cho Công ty Trường Phúc Hoàng ứng 40% giá trị hợp đồng khi có bảo lãnh của ngân hàng.

Ngày 29/12/2016, UBND tỉnh Cao Bằng đồng ý nên Sở LĐTB&XH đã cho Công ty Trường Phúc Hoàng ứng gần 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa có thư bảo lãnh nên Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng chưa xuất tiền.

Sau đó, Ngân hàng Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội đã ban hành chứng thư bảo lãnh trị giá hơn 10,5 tỷ đồng, có giá trị đến tháng 12/2017. Có chứng thư bảo lãnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng đã chuyển 5,3 tỷ đồng cho Công ty Trường Phúc Hoàng.

Theo cáo trạng, công trình không hoàn thành nhưng các bị cáo Trần, Nhung cho doanh nghiệp của bị cáo Hiền ứng tiền rồi không thu hồi dẫn tới thất thoát hơn 9,6 tỷ đồng của ngân sách. Đáng chú ý, bà Hiền đã nộp lại toàn bộ số tiền trên khi vụ án chưa được khởi tố.

Tại phiên xét xử, bà Hiền cho rằng bản thân không có ý định chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Việc Công ty Trường Phúc Hoàng chưa thể hoàn thành gói thầu là do ảnh hưởng của dịch COVID khiến phía chủ đầu tư không thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu xây dựng. "Việc không trả ngay số tiền tạm ứng khi không thi công gói thầu là do thời điểm đó doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID nên chưa thể trả ngay", bà Hiền trình bày.

Sau quá trình xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Cao Bằng tuyên phạt bị cáo Hà Minh Trần bị phạt 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; bị cáo Quản Thị Thu Hiền bị phạt 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Đơn kháng cáo của bị cáo cho rằng, bản án của TAND tỉnh Cao Bằng đã tuyên đối với bà là không phù hợp với sự thật khách quan, do tác động của dịch COVID nên mọi hoạt động không phải là các nhu yếu phẩm đều phải dừng nên không thể triển khai được công trình xây dựng vào thời điểm đó.

Bị cáo buộc tạm ứng tiền nhưng không thi công gói thầu, nữ giám đốc kháng cáo kêu oan ảnh 2

Phái trong trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội - người đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị cáo Hiền) cho rằng, nếu là tội phạm thì chủ thể phải là pháp nhân Công ty Trường Phúc Hoàng, chứ không phải cá nhân bà Quản Thị Thu Hiền.

“Về mặt chủ quan có thể thấy bà Hiền không hề có ý định chiếm đoạt số tiền bảo lãnh. Trong khi đó, căn cứ để điều tra, truy tố cũng không đúng vì phía nhà thầu không có nghĩa vụ phải gửi thư bảo lãnh cho chủ đầu tư. Cơ quan xét xử cũng không đưa pháp nhân là Công ty Trường Phúc Hoàng vào tham gia tố tụng; không lấy lời khai các cá nhân và cơ quan liên quan để xác định ai là người chỉ đạo, ai là người ký để công ty ứng được tiền”, ông Thiệp nói.

Luật sư Thiệp cho rằng, đây là vụ án có dấu hiệu oan sai; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không xác định và giám định thiệt hại; số tiền đã khắc phục mới khởi tố vụ án. Vẫn theo luật sư Thiệp, đây là vụ tranh chấp thương mại và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng.

Ngoài ra, luật sư Thiệp nhấn mạnh “việc sử dụng số tiền tạm ứng của gói thầu vào công trình khác được xác định có thể nguy hiểm cho xã hội nhưng lại không được quy định trong Bộ luật Hình sự, không phải sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp và việc không có khả năng gia hạn bảo lãnh không đồng nghĩa với mục đích chiếm đoạt số tiền”.

MỚI - NÓNG