Để không còn nỗi đau đuối nước:

Bể bơi di động ở buôn làng

0:00 / 0:00
0:00
Các em thiếu nhi khởi động trước khi vào học bơi
Các em thiếu nhi khởi động trước khi vào học bơi
TP - Là địa phương có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước thuộc diện nhiều nhất nước, Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng trên, trong đó có mô hình “ngôi nhà an toàn”, “bể bơi di động” tới tận buôn làng vùng sâu, xa, dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ.

Lớp học bơi cho trẻ em nghèo

Đến lớp học bơi miễn phí tại xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar), thấy niềm vui khôn xiết của các bậc phụ huynh, các em nhỏ tại địa phương này. Các học viên nhí thực hiện khá bài bản phần khởi động về cánh tay, vai, chân…trước khi xuống bể nước.

Đây là bể bơi di động miễn phí do Câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” (thuộc Hội đồng đội huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) huy động xã hội hóa lắp đặt, trị giá 50 triệu đồng. Lớp học bơi gồm 90 em thiếu nhi, chia làm 6 ca học với 6 giáo viên quản lý lớp.

Thầy giáo thể dục Mai Văn Chuyền, Trường THCS Ngô Mây (Chủ nhiệm CLB “Vì đàn em thân yêu”) cho biết, bể bơi di động này được lắp ráp, dài 15,6m, rộng 5,1m và cao 1,2m, có cầu thang lên xuống, có hệ thống van xả tháo nước theo quy định, có lưới che.

Bể này có thể tháo lắp linh động, dễ triển khai đến các thôn, buôn vùng sâu xa. Sau xã Quảng Hiệp, Câu lạc bộ sẽ triển khai dạy tại các thôn, buôn của xã Ea M’Droh và các xã khác.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ đuối nước khiến 39 trẻ em tử vong, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Số vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra ở 13/15 huyện, thị xã, thành phố của Đắk Lắk.

Theo thầy Chuyền, để tránh đuối nước, học bơi thôi chưa đủ, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ, trang bị cho các em kỹ năng giúp người bị đuối nước. “Em được thầy, cô giáo hướng dẫn động tác khởi động, hít thở đúng cách, nếu không dễ bị sặc nước. Ngoài ra, tụi em còn được thầy hướng dẫn những động tác để sơ cứu người bị đuối nước”, em Hoàng Đức Quân (lớp 3) thích thú cho biết.

Anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk thông tin, bể bơi di động đang được một số huyện triển khai tốt như Cư Kuin, Buôn Hồ, Cư M’gar. Tới đây, Tỉnh Đoàn sẽ giao Trung tâm huấn luyện kỹ năng (thuộc Tỉnh Đoàn) mời các chuyên gia, người có chuyên môn về bơi lội trong toàn tỉnh tổ chức các lớp trang bị kiến thức cơ bản cho đội ngũ tổng phụ trách đội; đề xuất một môn học ngoại khóa trang bị kỹ năng bơi lội cho các em trong các trường tiểu học, trung học cơ sở.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M’gar, từ đầu năm 2021 đến nay, địa bàn huyện xảy ra 4 vụ tai nạn đuối nước khiến 6 trẻ tử vong. Tình trạng đào hồ nhỏ tràn lan tại rẫy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sự thiếu giám sát của người lớn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn đuối nước của trẻ.

Phòng LĐ-TB&XH Cư M’gar đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, cắm biển cảnh báo đuối nước ở sông, suối, ao, hồ, nơi thường có trẻ tụ tập chơi. Trong nội dung sinh hoạt hè năm 2021, Phòng phối hợp với Hội đồng Đội huyện đưa nội dung cảnh báo tai nạn thương tích vào nội dung chính để tuyên truyền, nâng cao kiến thức và sự cảnh giác của trẻ em với tai nạn thương tích.

Chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội

Để phòng ngừa tai nạn đuối nước trong học sinh, Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) đã huy động xã hội hóa xây dựng bể bơi kinh phí trên 60 triệu đồng, tổ chức phổ cập bơi cho học sinh.

Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây cho biết, với trên 90% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm phòng ngừa tai nạn đuối nước, trang bị kỹ năng sống cho các em, nhà trường đã đưa dạy bơi vào chương trình học ngoại khóa.

Mỗi khối lớp được xây dựng chương trình học bơi riêng, trang bị những kỹ năng phòng tránh, ứng phó với tai nạn đuối nước. Theo thầy Dũng, không chỉ phổ cập bơi cho học sinh trong nhà trường, hằng năm đơn vị còn mở từ một đến hai lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh bậc tiểu học trên địa bàn xã Ea M’droh.

Còn ông Đào Đức Đồng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ea H’leo cho biết, huyện đã từng tập huấn phòng, chống đuối nước cho cha mẹ có con từ 9 đến 15 tuổi. Song, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, thời gian học sinh nghỉ hè khó kiểm soát được con em mình. “Chúng tôi mong các bậc phụ huynh cần giám sát, nhắc nhở, quản lý con trẻ, đặc biệt là những lo ngại về nguy cơ đuối nước khi đi chơi ở ao, hồ, sông, suối”, ông Đồng nói.

Những năm qua, để giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ, Đắk Lắk đã triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”. Mô hình này giúp các hộ gia đình nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, an toàn các phòng trong ngôi nhà, an toàn về điện và an toàn cầu thang và lan can… Tuy nhiên, hiện đa số các gia đình còn xem nhẹ vấn đề trên.

Theo ông Phạm Phượng, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, hiện tại mô hình “Ngôi nhà an toàn” đã triển khai tại 4 huyện Cư Kui, Ea Sup, M’Đắk và Cư M’gar.

Sở cũng đang thực hiện Dự án triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại 8 xã Cư Bông, Cư Huê, Cư Ni, Cư Prông, Ea Kmut, Ea Pal, Ea Sô, Ea Đar thuộc huyện Ea Kar. Năm 2020 Sở LĐTB&XH Đắk Lắk đã tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em; tập huấn cho 800 cha mẹ có trẻ em dưới 6 tuổi, giáo viên mầm non về các biện pháp phòng, chống đuối nước nhằm hạn chế các nguy cơ gây đuối nước trẻ em…

Tuy nhiên, ông Phượng lưu ý, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cần được truyền thông cụ thể đến phụ huynh, giáo viên và trẻ em, nhất là trẻ 6 đến 15 tuổi. Cùng với việc tổ chức các lớp học bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tỉnh sẽ duy trì và phát triển mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

MỚI - NÓNG