Bảo vệ biên cương văn hóa bằng sức mạnh nội sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước tác động mãnh liệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào mọi lĩnh vực của đời sống, cần hết sức chú ý tới sức mạnh mềm của văn hoá; nâng cao trình độ và bản lĩnh sáng tạo của con người, nhất là thế hệ trẻ để bảo vệ biên cương văn hoá bằng sức mạnh nội sinh của văn hoá, con người Việt Nam...

Đó là ý kiến của GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng của tuổi trẻ”, ngày 11/5, tại Hà Nội. Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Báo động “xâm lăng văn hóa” trên không gian mạng

Theo GS.TS Từ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, các kênh truyền thông cực đoan của các thế lực thù địch được phát hành tự do, thoải mái trên mạng. Việc gỡ bỏ, ngăn chặn các kênh thông tin xấu độc này cực kỳ khó khăn. Điều đó có thể gây lung lạc, ảnh hưởng đến nhận thức, niềm tin của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, các hành vi phản cảm, ứng xử vô văn hóa trên không gian mạng ngày càng tràn lan.

Bảo vệ biên cương văn hóa bằng sức mạnh nội sinh ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư phát biểu tại hội thảo

“Việc bảo vệ biên cương về văn hóa tư tưởng trên không gian mạng ở Việt Nam đang đối mặt rất nhiều thách thức, khó khăn, phức tạp. Biên cương đó khó có thể bảo vệ tốt nếu chúng ta không có sự kiểm soát chặt chẽ, biện pháp quản lý tương thích và chế tài xử lý phù hợp”, bà Loan nói.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, tổ chức Đoàn cần tập trung, nghiên cứu, xác lập các giải pháp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nhất là các ngành liên quan đến xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, trò chơi trực tuyến… Đồng thời, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp về văn hoá; đầu tư, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về văn hoá, các ý tưởng, sản phẩm văn hoá có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn trong thanh thiếu nhi.

Ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch HĐQT, TGĐ DatVietVAC Group Holdings nói rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực kiểm soát truyền thông, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trên không gian mạng chưa thực sự làm chủ được. Các tập đoàn tư bản xuất khẩu văn hóa tư tưởng xuyên biên giới tại Việt Nam nhưng chưa có chế tài quản lý, giám sát, xử phạt từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế về tính hợp pháp của hoạt động và phân phối nội dung.

Theo ông Thành, trong lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến, Việt Nam đã chiến thắng các cuộc xâm lăng quân sự ngoại bang, với ý đồ xâm lấn triệt tiêu văn hoá, thay thế bằng văn hóa ngoại lai, để dân tộc ta không còn là mình. Nhưng hiện trên không gian mạng, chúng ta đang đứng trước một nguy cơ mới- nguy cơ một cuộc “xâm lăng văn hoá” từ bên ngoài.

“Ta phải chiến thắng không khoan nhượng trong cơn bão văn hóa tư tưởng. Hãy nuôi dưỡng khát vọng làm người Việt, để xây dựng nền văn hóa thật Việt Nam, không hão huyền, không nô lệ, không ngoại lai và nền văn hóa ấy phải được dẫn dắt bởi người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam”, ông Thành nhấn mạnh.

Xây dựng bản lĩnh văn hóa

GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, văn hoá được ví như gương mặt tinh thần, là tấm căn cước của dân tộc, để dân tộc hiện hữu trong thế giới nhân loại với sự kết tinh các giá trị tinh hoa, truyền thống và bản sắc của mình. Trước tác động mãnh liệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống như hiện nay, phải hết sức chú ý tới sức mạnh mềm của văn hoá; nâng cao trình độ và bản lĩnh sáng tạo của con người, nhất là thế hệ trẻ để bảo vệ biên cương văn hoá bằng sức mạnh nội sinh của văn hoá, con người Việt Nam.

“Đó không chỉ là bản lĩnh chính trị mà còn là bản lĩnh văn hoá. Tinh thần cống hiến vì đất nước phải trở thành khát vọng cống hiến mà mỗi người dân, nhất là những người trẻ tuổi, sinh viên, trí thức cần được giáo dục và tự giáo dục về văn hoá. Đó là giáo dục lý tưởng, lẽ sống, niềm tin khoa học và hành động sáng tạo”, GS. Bảo nói.

Bảo vệ biên cương văn hóa bằng sức mạnh nội sinh ảnh 2

Bạn trẻ tham gia gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống (Trong ảnh là hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào trường học ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Xuân Tùng

Cũng theo GS. Bảo, trong bối cảnh hội nhập, bùng nổ thông tin, thanh niên cần tự bảo vệ nhân cách của mình trước sự xâm hại của “chủ nghĩa thực dân”, “xâm lăng văn hoá” đang diễn ra ở khắp mọi nơi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam, nhất là công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trên không gian mạng. Theo ông Phương, thế hệ trẻ là đối tượng thụ hưởng nhiều nhất của các sản phẩm văn hóa, đồng thời là đối tượng có khả năng sáng tạo lớn nhất, tiềm năng nhất, đông đảo nhất tạo ra những sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp văn hóa

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa. Đó là sự xâm nhập của những sản phẩm độc hại; các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng để tán phát tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tổ chức Đoàn tiếp tục kiên trì đổi mới phương thức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Tận dụng tối đa ưu thế của không gian mạng và quá trình chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của dân tộc, những giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc của dân tộc.

Cần chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng với phương châm “nhận thức đúng, thông tin đủ, hành động nhanh, kết nối mạnh, lan tỏa rộng”.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cần khơi nguồn sáng tạo trong thanh thiếu nhi, phát huy vai trò của những người có uy tín, nhất là văn nghệ sĩ trong định hướng những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Lan tỏa nhiều hơn nữa, đa dạng hơn nữa những câu chuyện đẹp, gương người tốt việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần nhân ái, đoàn kết, thủy chung, yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam.

Phát biểu tổng kết hội thảo, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn khẳng định, những nội dung của hội thảo là chất liệu vô cùng quý giá đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhất là trong quá trình xây dựng văn kiện đại hội Đoàn các cấp và Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ tiếp thu, bổ sung các nội dung, giải pháp, công việc của Đoàn, của tuổi trẻ vào dự thảo văn kiện, chương trình hành động. Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ xây dựng báo cáo kết quả của hội thảo, một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan để góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Theo anh Huy, để thanh niên sẵn sàng tham gia vào công cuộc chấn hưng văn hóa trong giai đoạn hiện nay, cần nâng cao nhận thức và năng lực số cho thanh thiếu nhi, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động văn hóa; tăng cường truyền thông xã hội và tận dụng trí tuệ nhân tạo để triển khai các hoạt động giáo dục, bồi đắp văn hóa cho thế hệ trẻ; hỗ trợ, tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh vực văn hóa.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức khóa tu mùa hè phù hợp, an toàn

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức khóa tu mùa hè phù hợp, an toàn

TPO - Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các địa phương, cơ sở tự viện tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh, thiếu niên Phật tử và học sinh dịp hè 2023, lưu ý chọn các cơ sở tự viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, lưu ý về số lượng khóa sinh tham gia phù hợp với điều kiện cơ sở tự viện.
Các đại biểu dự khai mạc lớp tập huấn. Ảnh Phan Định.

Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ quân đội làm công tác dân vận

TPO - Lớp bồi dưỡng nhằm trang bị tri thức, những kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc cho cán bộ làm công tác dân vận trong Quân đội khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023, từ đó, làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới.