Bảo tồn 'lộc trời' nơi núi rừng biên cương

TPO - Từ nhiều năm nay, cây chè Shan tuyết đã giúp đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) có thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Công tác bảo tồn và phát huy giống chè đặc sản này luôn được chính quyền và người dân nơi đây quan tâm, bảo vệ.
Bảo tồn 'lộc trời' nơi núi rừng biên cương ảnh 1
Huyện biên giới Phong Thổ - một trong 4 huyện của tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ban tặng tài nguyên chè Shan tuyết cổ thụ quý dưới những cánh rừng già nguyên sinh. Theo khảo sát, toàn huyện có khoảng 8.000 cây chè cổ thụ, tập trung ở 6 xã. Đây là địa phương có số lượng chè cổ thụ lớn nhất tỉnh.
Bảo tồn 'lộc trời' nơi núi rừng biên cương ảnh 2
Mồ Sì San là xã vùng cao của huyện Phong Thổ với 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Toàn xã hiện có khoảng 1.700 cây chè Shan tuyết cổ thụ, gốc bé nhất đường kính khoảng 30cm, gốc lớn nhất hai vòng tay người lớn ôm không hết. Đây là “báu vật” mà thiên nhiên ban tặng cho người dân xã Mồ Sì San.
Bảo tồn 'lộc trời' nơi núi rừng biên cương ảnh 3
Từ năm 2015, một số hộ dân trên địa bàn xã Mồ Sì San đã lên rừng hái những búp chè cổ thụ tươi về sao thủ công. Đến năm 2019, Hợp tác xã Biên Cương thành lập, là đơn vị đầu tiên ở huyện Phong Thổ thu mua, chế biến búp chè cổ thụ tươi bằng máy móc hiện đại thành những sản phẩm trà nổi tiếng thơm ngon và đem lại giá trị kinh tế cao.
Bảo tồn 'lộc trời' nơi núi rừng biên cương ảnh 4

Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Biên Cương thu mua từ 4-5 tấn búp chè cổ thụ tươi từ bà con trên địa bàn xã và các xã lân cận, chế biến được hơn một tấn trà khô các loại.

Hiện nay, Hợp tác xã Biên Cương sản xuất được 4 sản phẩm là bạch trà, hồng trà, hoàng trà và trà xanh. Trong đó có 3 sản phẩm trà cổ thụ gồm: Hồng trà shan Mồ Sì San, Hoàng trà shan Mồ Sì San và Trà xanh shan Mồ Sì San được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lai Châu năm 2020.

Bảo tồn 'lộc trời' nơi núi rừng biên cương ảnh 5

Trung bình một ngày, một người dân thu hái chè được từ 200-300 nghìn đồng trở lên. Giá bán các loại trà dao động từ 2-3 triệu đồng/kg trà khô.

Ngoài Hợp tác xã Biên Cương, hiện nay Phong Thổ còn có Hợp tác xã Xín Chải của xã Hoang Thèn, Hợp tác xã Sì Lở Lầu cũng tích cực tham gia chuỗi sản xuất trà cổ thụ với nhiều sản phẩm như trà xanh, trà đỏ, trà hồng.

Bảo tồn 'lộc trời' nơi núi rừng biên cương ảnh 6

Nhằm khai thác tiềm năng và nâng cao chất lượng, sản lượng của sản phẩm trà cổ thụ, huyện Phong Thổ đã và đang thực hiện Đề án phát triển và bảo vệ chè cổ thụ trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện sẽ trồng mới diện tích chè theo kế hoạch, bảo tồn diện tích chè hiện có trên địa bàn.

Đến nay, huyện đã trồng mới được 25ha giống cây chè cổ thụ và tiếp tục bảo tồn 8.000 cây chè cổ thụ. Huyện cũng tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vừa thu hoạch vừa có ý thức bảo vệ, không khai thác quá mức làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển cây chè.

Tin liên quan