'Bà đồng nát' may mắn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa phố cổ ồn ã, nhộn nhịp có một góc nhỏ bình yên lúc nào cũng phảng phất mùi trầm hương và ngập tràn sắc màu của thổ cẩm, của vải lanh, của núi rừng Tây Bắc. Đó là “ổ” của Thủy Chie, người phụ nữ nhỏ nhắn sinh ra ở Hà Nội nhưng luôn nghĩ kiếp trước mình là cô gái dân tộc, đang dệt dở tấm vải thì phải đi đầu thai.

Ăn và nghĩ như bà con

Không gian “Chie - Dù pù dù pà” nằm khiêm nhường trên con phố Hàng Trống tấp nập. Phía sau cánh cửa nhỏ, với tấm biển nhỏ mà phải nhìn kỹ mới thấy là cả không gian ngập tràn văn hóa vùng cao.

Nếu đến cửa hàng vào những hôm se lạnh, khách sẽ thấy bà chủ Trương Thu Thủy, hay còn gọi là Thủy Chie, vận một bộ đồ thổ cẩm, tay đeo lắc bạc, nước da bánh mật, duyên dáng như cô gái dân tộc vừa xuống phố. Và nếu đúng hôm Thủy rảnh, khách sẽ được ngồi giữa không gian ấm cúng thoang thoảng mùi trầm hương, nhấp ngụm trà san tuyết và nghe Thủy kể về “con đường thổ cẩm” của mình.

'Bà đồng nát' may mắn ảnh 1

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng Thủy Chie lại nặng lòng với Tây Bắc

Cách đây hơn 10 năm, Thủy được tổ chức Jica (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tuyển chọn để tham gia dự án “Xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc” nhằm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc. Dự án kéo dài 3 năm, là từng đấy thời gian Thủy bám bản, “ăn như bà con và nghĩ như bà con”. Công việc của chị là hướng dẫn chị em phối màu cho lớp dệt và hướng dẫn may sản phẩm từ vải dệt ra.

Từ dự án của chị Thủy, thu nhập của bà con dân tộc đã tăng thêm 3-5 triệu đồng/người. Bà con đi làm vừa có lương ổn định, ngày mùa vẫn có thời gian cấy gặt.

“Thật ra những điều mình làm cũng không có gì ghê gớm. Chỉ là nó phù hợp. Bà con có sẵn nghề, mình chỉ bổ sung thêm các kỹ năng. Một miếng vải nhỏ chỉ bán được vài chục nghìn nhưng nay may thành cái túi, cái ví thì có thể bán được 100-200 nghìn. Có lần, một chị trên Sơn La gọi điện khoe “Bán được cái túi 350 nghìn” mà mình cũng thấy vui cả ngày”, bà chủ Chie thổ lộ.

Sau 3 năm, dự án kết thúc, Thủy trăn trở nếu không tiếp tục thì bao công sức cùng đồng bào sẽ đổ bể. Nghĩ mãi, chị quyết định bán luôn chiếc xe máy và vay mượn thêm để mở “Chie- Dù pù dù pà”. “Chie” là một từ phổ thông trong tiếng Nhật, giúp chị nhắc nhớ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia xứ hoa anh đào. Còn “Dù pù dù pa” theo tiếng Thái nghĩa là ở rừng ở núi.

Không gian tầng 1 bày bán nhiều món đồ xinh xắn như quần áo, khăn, mũ, mành rèm, ga gối, khăn trải bàn, lót cốc, đồ chơi, móc khóa, thú nhồi bông... được làm từ vải lanh, vải thổ cẩm. Chị Thủy cho biết, lợi nhuận từ cửa hàng sẽ được trích ra để hỗ trợ lại bà con.

Tầng 2 là nơi trưng bày những đồ vật gắn bó với đời sống của đồng bào, từ các tấm vải dệt, khung cửi, những chiếc gùi, cây nêu, đồ dùng trong lễ cúng, trang sức bằng bạc tinh xảo... Đây cũng là nơi khách được ngồi thưởng trà, nghe bà chủ kể về cách nhuộm ra các tấm vải màu xanh từ cây chàm, màu cam từ củ nâu, về quy trình từ một cây lanh khô cứng để ra một chiếc váy của cô gái Mông. Hay nghe kể về Khau Kut và Kut Pieu - câu chuyện cảm động của người Thái về tình yêu và tình nghĩa vợ chồng, về những đồng bạc thách cưới, những đôi khuyên tai đủ kiểu dáng độc đáo hay những chiếc trâm cài tóc...

Thỉnh thoảng, Chie lại tổ chức các sự kiện ở tầng 3. Du khách được học cách nhuộm vải từ lá cây, biết được quy trình từ một cây lanh khô cứng dệt ra chiếc váy sặc sỡ cầu kỳ như các thiếu nữ dân tộc Mông vẫn mặc.

Nhiều buổi triển lãm tại Chie như “Của để dành”, “Nét chạm thời gian” hay cuộc trao đổi “Ý nghĩa của lễ buộc chỉ cổ tay và tục cưới hỏi của người dân tộc thiểu số” từng thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn trẻ.

'Bà đồng nát' may mắn ảnh 2

“Chie- Dù pù dù pà” mang một góc Tây Bắc đến Hà Nội. Nhiều sản phẩm do chính bà con dân tộc thêu và may được bày bán tại cửa hàng

“Đi nghĩa là về”

Trương Thu Thủy sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình công nhân. Được học về chuyên ngành điêu khắc nhưng gia đình khó khăn nên chị từng phải lăn lộn đủ nghề để kiếm sống. Từ làm tượng, làm đồ giả cổ, đến làm công nhân xưởng mộc, xưởng may, sửa điện nước… Chính những trải nghiệm ngày ấy đã giúp chị kiên cường, không nề hà khó khăn gì sau này. Dù đó là những chuyến đi lên bản gặp đường sạt lở hay những đêm phải ngủ lại giữa đèo. Chỉ cần có thời gian, chị lại leo lên xe máy, mang theo bộ đồ nghề sửa xe, can nước, vài quả trứng luộc, thêm gói mì tôm, và Tây Bắc thẳng tiến.

“Tây Bắc với tôi như là nhà. Mỗi lần lên bản, tôi đều có cảm giác như đang trở về. Đôi khi tôi nghĩ kiếp trước chắc mình là người miền núi và làm nghề dệt thổ cẩm. Khi bắt tay vào nghề thổ cẩm tôi cũng thấy nó thân thuộc như mình đang làm dở việc đó, giờ làm tiếp, và nó cứ thế cứ thế cho đến tận bây giờ…”

Mỗi lần có mẫu mới, Thủy thường lên tận nơi để “cầm tay chỉ việc” cho bà con. Bao giờ bà con chắc tay thì Thủy chọn mỗi hợp tác xã 2-3 người, đưa về Hà Nội ăn ở và học nghề tại nhà Thủy. Sau đó các chị em trở về hướng dẫn lại cho bà con ở bản. Cứ thế, bà con sản xuất, rồi gửi xe khách về Hà Nội cho Thủy bán. Tới giờ, chỉ cần gửi ảnh, gửi bản vẽ là bà con có thể làm ra sản phẩm mới.

Lâu lâu không lên Tây Bắc, Thủy lại bị nhớ. “Tôi nhớ những cây bông, cây lanh xanh mướt trên nương, những vạt chàm tươi tốt sau nhà, tiếng thoi dệt lách cách, bóng những cô gái nghiêng đầu bên khung cửi, nó như một bức họa đồng quê, mà với tôi, nó là vô giá".

Chị nhớ những ngày bám bản. Sáng sáng phải treo điện thoại lên ngọn cây cao nhất đầu làng để “câu sóng”, cuối ngày lại trèo lên xem có ai gọi nhỡ hay không. Nhớ những lớp học may, bà con ngồi từ trong nhà tràn ra ngoài đường, thiếu bàn thì trải chiếu ngồi cắt. Học từ bảy giờ sáng đến mười rưỡi đêm.

Có nhóm bà con chưa nói được tiếng phổ thông nên chị vừa nói vừa phải diễn đạt bằng hình thể để bà con hiểu. Có người, chị phải hướng dẫn 3 tháng mới biết cách dùng máy khâu. Có chị đang may dở phải về thì cử chồng sang may nốt, có anh chồng tối muộn chưa thấy vợ về bèn sang lớp là vải phụ vợ cho chóng xong. Ai cũng cố có được sản phẩm mang về “để mai chồng còn cho đi học tiếp, không tưởng mình đi chơi không đi nương”.

Chị nhớ cả những đám trẻ con lít nhít quen thân từ ngày còn làm dự án. Nhiều cháu xuống Hà Nội học, hết tháng bố mẹ chưa kịp gửi tiền lại qua không gian Tây Bắc “tìm cô Thủy”.

Chị khoe, mới dựng thêm xưởng may ở Mai Châu, nhận hợp đồng may gia công của một nhà máy chuyên xuất khẩu với mục tiêu tạo việc làm cho khoảng 100 chị em phụ nữ dân tộc. Thủy Chie cũng ấp ủ dự định tổ chức một show trưng bày và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc vùng núi Tây Bắc do chính đồng bào thể hiện, để đồng bào hiểu rõ và thêm tự hào về nét văn hóa đặc sắc của mình, từ đó càng thêm gắn bó và gìn giữ.

Cháy túi vì tha vác

Mỗi lần lên vùng cao, đến nhà người dân, Thủy rất thích chui rúc vào góc bếp, gậm bàn, góc cầu thang, thậm chí mò mẫm ra cả chuồng lợn, chuồng gà. Thấy chị cứ say mê, bà con ngạc nhiên lắm, người thành phố kiểu gì mà cái máng lợn cũng khen. Và khi trở về, ngoài các sản phẩm dệt thủ công của bà con, chị sẽ mang theo rất nhiều những bàn, ghế, cối giã gạo, khung cửi… trông không khác “một bà đồng nát”.

Thứ hai là trang phục cổ truyền nguyên bản của bà con. Đây là loại hiện vật chị Thủy có nhiều nhất. “Tôi rất thích yếm của người Mông nên hiện đã sưu tầm được vài chục cái. Cặp váy cổ của người Mường rất độc đáo, tôi sưu tầm được khoảng 100 cái. Về những tấm thổ cẩm, mỗi dân tộc tôi có từ 50-70 cái”, chị thống kê. Loại hiện vật thứ 3 gồm những bộ trang sức cưới bằng bạc. Số lượng hiện vật này có ít vì giá mỗi bộ là rất lớn, có những bộ có giá tới vài chục triệu đồng.

Cũng vì tha vác nhiều, nên những lần đó Thủy thường trở về trong tình trạng “cháy túi”, thậm chí phải gọi cho người nhà ra bến xe “chuộc” về. Mà nào có chuộc mỗi người, đằng sau là lỉnh kỉnh chai lọ, bàn ghế, bu gà, máng lợn… chất đầy xe ba gác. Ai bán gì là Thủy mua. Cũng nhiều cái, thấy Thủy mê quá nên bà con cho… Có cục đá, gặp ngoài đường, thấy hay hay, Thủy cũng bê về. Rồi có lần, bác xe ôm đầu phố bỗng đỗ xịch trước cửa, đằng sau xe chở cái chum cũ, phấn khởi khoe: “Bác thấy người ta vứt ngoài bãi, nghĩ mày thích nên mang về cho mày”.

Trong số này, chị Thủy ấn tượng nhất đối với chiếc cối giã các loại gia vị của gia đình chị Lò Thị Viên (dân tộc Lào, trú tại xã Na Sang, huyện Mường Chà, Điện Biên). Đây là món quà cưới chị Thủy nhận trong ngày lễ thành hôn của mình. Tuy vậy, vì thấy chiếc cối ám tro, không được đẹp đẽ, lịch sự để làm quà tặng cho người thành phố, chị Viên đã đem chiếc cối này ra suối và cọ trắng phau. “Bà con rất thật thà, chân thành mang ra suối cọ cho trắng. Khi nhìn thấy, tôi đã phát khóc, bởi tiếc vẻ cũ kỹ của nó”, chị Thủy kể.

"Tôi nghĩ mình là một bà đồng nát may mắn vì được đồ chọn để ở lại, tôi quan điểm vạn vật hữu linh, nhất là những món đồ mang đậm nét văn hóa của tộc người như thế này, chúng thực sự có linh hồn và tình cảm, có tiền chưa chắc đã đi tìm mua được", bà chủ của Chie Dù pù dù pà tự hào.

MỚI - NÓNG