900 tỷ đồng đầu tư cải tạo công viên Hà Nội, vì sao chưa thể triển khai?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù được HĐND TP Hà Nội phân bổ số tiền lên đến 900 tỷ đồng nhưng các công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo vẫn chưa được cải tạo. Sở Xây dựng lý giải nguyên nhân do thay đổi trong phân cấp quản lý, từ thành phố sang quận.

Sở Xây dựng vừa báo cáo việc thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về cải tạo, nâng cấp công viên, vườn hoa giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, cấp thành phố đầu tư cải tạo 4 công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất, Hòa Bình); cấp quận cải tạo 41 công viên, vườn hoa bằng nguồn vốn ngân sách quận.

Tuy nhiên hết tháng 3/2024, các quận mới hoàn thành, đưa vào sử dụng 14 vườn hoa: Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trúc Bạch, Bãi Nhãn (Ba Đình); Diên Hồng, Tao Đàn, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm); Pasteur, Tăng Bạt Hổ, Yec-Xanh (Hai Bà Trưng); Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai); Ngọc Lâm (Long Biên).

Sở Xây dựng cho biết các công viên, vườn hoa đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, không có vướng mắc lớn. Theo kế hoạch của các quận, năm nay thêm 16 công viên, vườn hoa hoàn thành và năm 2025 nâng cấp 11 công trình còn lại.

Bốn công viên lớn nằm trong kế hoạch cải tạo nâng cấp (Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo, Hòa Bình) bị chậm tiến độ do thay đổi phân cấp quản lý, từ thành phố sang quận.

900 tỷ đồng đầu tư cải tạo công viên Hà Nội, vì sao chưa thể triển khai? ảnh 1

Công viên văn hóa, vui chơi, giải trí thể thao quận Hà Đông nhiều năm vẫn là bãi đất trống

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 9 dự án xây dựng mới, công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An diện tích 40 ha (UBND huyện Thanh Trì) hiện chưa triển khai do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội (11 ha, Công ty TNHH VNT) đã hoàn thành 80%, đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch.

Công viên hồ điều hòa CV1, quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm (27 ha, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng) đã hoàn thành các hạng mục, dự kiến tháng 3 kiểm tra nghiệm thu, sau đó bàn giao cho UBND quận Nam Từ Liêm. Dự án đang vướng việc đấu nối giao thông, công viên có 4 lối vào nhưng mới hoàn thành một, 3 lối vào còn lại chưa thi công.

Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (101 ha, Công ty Cổ phần tập đoàn Mặt Trời) đã giải phóng mặt bằng được khoảng 99,6 ha, đang nạo vét và làm kè sông Thiếp. Chủ đầu tư đang làm thủ tục điều chỉnh tiến độ dự án.

Công viên hồ Phùng Khoang (46 ha, Liên danh Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đô thị) đạt khoảng 80% hồ điều hòa và triển khai một số hạng mục đường dạo, rào chắn, cây xanh. Hiện còn hơn 2.000 m2 chưa giải phóng mặt bằng, việc đấu nối hệ thống thoát nước từ công viên sang mương Mễ Trì đang triển khai nhưng gặp vướng.

Công viên Văn hóa vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (95 ha, quận Hà Đông) đang tổ chức thi tuyển kiến trúc sau khi thành phố công bố quy hoạch chi tiết năm 2023. Công viên Hữu Nghị, Bắc Từ Liêm (gần 16 ha, chủ đầu tư trước đây là Bộ Xây dựng) vẫn chưa được triển khai, đất bỏ trống.

Công viên Thiên văn học - Khu đô thị Dương Nội (12 ha, Công ty cổ phần Tập Đoàn Nam Cường) đã được tạm bàn giao cho quận Hà Đông để mở cửa hồi trước Tết Nguyên đán 2024 phục vụ nhân dân. Công tác nghiệm thu và bàn giao chính thức chưa được thực hiện.

Công viên và hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch (Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng) đã hoàn thành gần hết hạng mục, trừ hai hạng mục phát sinh ngoài hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký kết ban đầu. Đó là bể lọc nước và hệ thống tuyến cống 2 khớp nối cống hộp đến dự án Hải Đăng City. Các đơn vị liên quan đang phối hợp giải quyết vướng mắc.

Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, 9 dự án xây mới công viên đều có quy mô trung bình, thuộc quy hoạch các khu đô thị. Tuy nhiên tiến độ thực hiện các dự án còn chậm, chỉ 3 công viên CV1, Bắc Nam Mai Dịch và Thiên văn học cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện để chuẩn bị bàn giao chính thức.

Tháng 9/2023, HĐND TP Hà Nội thông qua tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư 15.085 tỷ đồng với 30 dự án đầu tư công trên địa bàn và điều chỉnh chủ trương đầu tư 12.446,9 tỷ đồng với 4 dự án.

Trong danh mục các công trình công cộng đô thị được phê duyệt chủ trương đầu tư có dự án cải tạo, nâng cấp 3 công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo.

Cụ thể, Hà Nội dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thống Nhất, gần 330 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thủ Lệ và gần 149 tỷ đồng để cải tạo Công viên Bách Thảo. Tổng số vốn dùng để cải tạo các công viên này là 886,4 tỷ đồng.

Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố. Thời gian thực hiện trong các năm 2024-2026.

MỚI - NÓNG